Thời gian qua, không ít hộ nông dân trồng các loại rau ngắn ngày nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Quy mô tăng gia sản xuất bằng các mô hình trồng rau xanh càng ngày càng nhân rộng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều hộ nông dân có đất đai rộng, thoáng nên việc chăm sóc thuận lợi, rau sinh trưởng nhanh và an toàn, ít chịu ảnh hưởng của các chất hóa học độc hại. Một số hộ thiếu đất nên phải tận dụng những khoảng đất gần ruộng lúa hoặc trồng chung rau với ruộng lúa như rau muống, môn ngọt, xà lách, rau quế, hành, cải. Tuy nhiên, rau muống trồng cạnh ruộng lúa có thể gây ngộ độc đối với người ăn. Nếu nói nguyên nhân ngộ độc là do người trồng dùng thuốc trừ sâu hay thu hoạch rau ngay sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... thì chưa hoàn toàn đúng. Bởi rau muống thường phát triển mạnh, ít bị các loại sâu bệnh gây hại, người trồng không mấy khi sử dụng các hóa chất để bảo vệ cây trồng hay dùng các chất kích thích sinh trưởng ngoài danh mục quản lý nông dược. Nhưng do rau muống trồng cạnh hoặc trong đất ruộng lúa bị ảnh hưởng sự lan tỏa của thuốc trừ sâu, phân hóa học độc hại. Người trồng cứ thế vô tư thu hoạch sản phẩm mà không hay biết rằng rau muống đã ngấm các loại hóa chất độc hại, rồi thu hoạch và bán cho người tiêu dùng. Lúc ấy, người ăn rau muống bị ngộ độc và đôi khi có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Để không bị ngộ độc, cách tốt nhất nên trồng rau xa ruộng lúa hoặc khu vực riêng. Trước khi sử dụng, nên rửa sạch nhiều lần kết hợp ngâm với nước muối hoặc thuốc tím. Như vậy, mối nguy hiểm ngộ độc mới được ngăn chặn, đem lại thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
TIẾN PHÚ