Một thực trạng xảy ra trong nhiều năm là do thiếu cán bộ nên một đội ngũ không nhỏ cán bộ hưu trí tiếp tục tham gia hệ thống chính trị ở cơ sở, phải tiếp tục gánh vác những công việc nặng nhọc ở địa phương mà lẽ ra họ được nghỉ ngơi.
Tuần qua, UBND huyện Sông Hinh trao quyết định tuyển dụng 13 trí thức trẻ về công tác tại 10 xã là một tín hiệu vui trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Càng vui hơn là huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn như Sông Hinh đã chọn khâu đột phá bằng đề án Đưa trí thức trẻ về cơ sở được thực hiện trong 3 năm với tổng kinh phí 1 tỉ đồng. 13 trí thức trẻ về công tác ở cơ sở là kết quả bước đầu đầy phấn khởi về chủ trương đúng đắn của Huyện ủy Sông Hinh.
Nhìn ra cả nước, đã có nhiều địa phương đưa trí thức trẻ về cơ sở từ hơn mười năm trước như huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).
Gần đây nhất, đầu tháng 7/2007, TP Đà Nẵng có đề án tập trung đào tạo 150 người có trình độ đại học công lập hệ chính quy (điểm tốt nghiệp từ 6,0 trở lên) nhằm tạo nguồn cho các chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã. Đề án đáng học tập này có mục tiêu rất rõ ràng là tạo nguồn cán bộ có đủ trình độ, góp phần chuyên nghiệp hóa một đội ngũ cán bộ được xem là thiếu chuyên nghiệp trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.
Các ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn chiêu sinh sẽ được tham gia đào tạo một năm để đáp ứng các yêu cầu thi tuyển, xét tuyển vào công chức sau khi học xong và có đủ hành trang tri thức để làm nhiệm vụ cái kim giây chạy miệt mài trong hệ thống công vụ hiện hành.
Chương trình đào tạo một năm sẽ cung cấp một số kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, quản lý đô thị. Đồng thời, rèn luyện cho học viên những kỹ năng cơ bản của lãnh đạo cấp cơ sở như kỹ năng soạn thảo văn bản, diễn đạt ý tưởng bằng lời nói, đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống và ý thức tự đào tạo qua thực tế công tác.
Cách làm của huyện Sông Hinh đã bắt nhịp với nhiều mô hình đào tạo cán bộ cơ sở trong cả nước.
Đào tạo cán bộ nguồn đưa về cơ sở và đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt chính là một hướng đi sáng tạo làm phong phú thêm quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo dựa trên cơ sở quy hoạch được thực hiện lâu nay. Cách làm này còn hạn chế được tính khép kín về nguồn cán bộ quy hoạch của từng địa phương.
Để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chiến lược cán bộ trong thời kỳ mới đang nhằm vào hai hướng: xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi (như đề án đào tạo 150 thạc sĩ, tiến sĩ của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2008 - 2015) và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ phường, xã. Cả hai hướng này đều quan trọng, đều đòi hỏi phải được đầu tư đúng mức.
Đây là giải pháp đột phá trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ mới, rất đáng nhân rộng.
VĂN XƯƠNG (phường 7, TP Tuy Hòa)