Đất nước có bờ biển dài trên 3.000km nhưng đang có kế hoạch nhập khẩu 150.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước là một nghịch lý khó chấp nhận.
Lâu nay, diêm dân điêu đứng vì nghề sản xuất muối không tìm được đầu ra. Bây giờ thì ngược lại.
Phú Yên có 3 làng nghề sản xuất muối có truyền thống hơn 300 năm, đó là Trung Trinh, Lệ Uyên, Tuyết Diêm (huyện Sông Cầu). Muối Sông Cầu đã đi vào thơ Chế Lan Viên “Ruộng nghìn ô muối trắng”. Nhiều thế kỷ, ba làng muối Phú Yên nổi tiếng cả xứ Đàng Trong. Từ những nhóm người làm muối nhỏ lẻ (nậu nại) lúc mới khai khẩn tỉnh Phú Yên, muối trắng Phú Yên nổi tiếng trong lịch sử và để lại một địa danh sống mãi với năm tháng: đèo Nại (đèo vận chuyển muối). Đèo Nại và đèo Vận Lương (Xuân Thịnh – Sông Cầu) là hai địa danh nổi tiếng cuối thế kỷ XVIII trong cuộc đối đầu sinh tử giữa hai lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh.
Nghề muối Phú Yên trải qua nhiều thăng trầm. Diêm dân mặn chát mồ hôi bán mặt cho nước mặn, bán lưng cho trời nhưng vẫn sống cơ cực từ đời này sang đời khác. Nay, nhu cầu về muối trắng nhiều hơn. Cung chưa đáp ứng được cầu, mở ra một cơ hội phát triển mới cho ngành muối.
Mong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch giúp bà con diêm dân Sông Cầu về khoa học, công nghệ để có sản phẩm muối chất lượng cao đạt yêu cầu thương phẩm của thị trường.
Mong rằng, từ hạt muối, đời sống bà con diêm dân nghèo ba làng muối Sông Cầu được cải thiện và yên tâm sống bằng nghề muối.
HỒNG LOAN (Sông Cầu)