Sau những cơn mưa dông đầu mùa hè các con suối ở Suối Cối, Kỳ Lộ (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) đã đầy ắp nước.
Mưa nguồn, các suối “hỗn nước” ào ạt đổ về, gây không ít trở ngại cho người dân nơi đây. Chỉ tính một quãng đường trên 20 km từ thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1 đến thôn Phú Tiến 2, xã Phú Mỡ thuộc huyện miền núi Đồng Xuân đã có tới 7 con suối lớn nhỏ (suối Cối, suối Trăng, suối Đập, suối Trưởng, suối Cây Cau, suối Cà Tơn, suối La Hiên). Trong số này, chỉ có suối Cà Tơn là đã có cầu, nhưng chiếc cầu này cũng bị “vô hiệu hóa” trong những đợt lũ lụt lớn.
Sông sâu thì mượn đò đưa, chứ những con suối cạn mà ầm ầm thác đổ thì đôi bờ bó tay. Từ nhiều năm qua, người dân hai xã Phú Mỡ và Xuân Quang 1 phải khổ sở, chứng kiến những cảnh đau lòng khi dân làng có người bệnh cần cấp cứu vào mùa lũ lụt. Năm 1990, ông Ma Nít ở làng Đồng, xã Phú Mỡ phải cõng vợ luồn đường rừng, ngót một ngày mới có được phương tiện vận chuyển và khi vợ đến được bệnh viện tỉnh thì ruột thừa đã bục vỡ, may mà được các bác sĩ tận tình cứu sống. Ông Ma Sệt ở làng Phú Tiến phải tự đỡ đẻ cho vợ khi các suối ngập nước, ngăn việc chuyển vợ về trạm xá xã. Ông Quốc, cán bộ xã Xuân Quang 1 cho biết , mùa lụt, xã Xuân Quang 1 và xã Phú Mỡ bị chia cắt như một “ốc đảo”. Trúng lúc huyện triệu tập họp, hoặc là báo nghỉ, còn “liều mạng” đi thì phải tốn 20.000 - 30.000 đồng thuê mướn thanh niên khiêng xe. Hai năm gần đây, một nhóm người ở thôn Suối Cối tự làm một chiếc cầu treo bắc qua suối Cối, nhưng ai đi qua lại phải trả 3.000 - 5.000 đồng/người, 10.000 - 15.000 đồng/xe máy.
Hệ thống cầu đường giao thông miền núi trong nhiều năm qua từng bước được hoàn thiện. Nhưng những con suối cạn đã gây không ít trở ngại cho người dân vào mùa mưa lũ khi có việc cần kíp. Nhân dân hai xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1 đang cần chiếc cầu vượt qua những con suối cạn trước mùa mưa lũ này.
TÂM MẠNH