Việc thay sách giáo khoa (SGK) bậc Trung học phổ thông(THPT) đã đi hết 2/3 chặng đường. Lâu nay, có rất nhiều bài viết khen, chê SGK phân ban do các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành biên soạn lẫn phương pháp giảng dạy của giáo viên. Mới đây, Bộ GD-ĐT yêu cầu Sở GD-ĐT các tỉnh thành cần triển khai việc lấy ý kiến về SGK.
Học sinh chọn mua sách giáo khoa tại Nhà sách Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) – Ảnh: TRỌNG HẢO |
Trên cơ sở này, Sở GD-ĐT Phú Yên triệu tập các hiệu trưởng và đề nghị: Mỗi trường THPT cần có một bảng tổng hợp các ý kiến của giáo viên về SGK cho từng bộ môn, gởi về sở. Hiệu trưởng các trường liền họp bàn với các tổ trưởng chuyên môn, lên kế hoạch góp ý SGK.
Riêng trường chúng tôi, để công việc trôi chảy và rầm rộ, đã đưa yêu cầu này vào tiêu chí thi đua: “Mỗi giáo viên phải có tối thiểu 5 ý kiến về SGK của môn mình đang dạy, nếu ai không đủ sẽ trừ điểm thi đua cuối năm học”. Tôi nghĩ, những bậc “trưởng thượng” trong ngành đã bàn về vấn đề SGK rất nhiều trong thời gian qua rồi, giờ bảo giáo viên cho ý kiến nữa, biết làm sao đây? Nếu tôi có ý kiến hay thì tôi đã viết báo rồi, chứ đâu chờ “ép” mới làm! Tuy nhiên, nếu không đóng góp ý kiến thì bị trừ điểm thi đua, vậy nên giáo viên chúng tôi cứ viết đại cho xong.
Cách góp ý kiểu hô hào, phát động chung chung chẳng những thu lại kết quả rất thấp mà còn gây tâm lý không tốt cho người dạy lẫn người học.
HẠ CƯỜNG