Dân gian có câu “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Tuy vậy, nhiều người không đủ dũng cảm để làm “thuốc đắng” nói lên sự thật trước mặt mà chỉ dám nói… sau lưng, dần dần thành thói quen và bị nhiễm “bệnh” nói sau lưng!
Số người mắc “bệnh”… nói sau lưng hiện nay tương đối phổ biến, gây khó chịu trong các mối quan hệ cộng đồng, làng xóm láng giềng. Đặc biệt là nó gây thành “dịch” nghi nghờ, đố kỵ nhau, dẫn đến mâu thuẫn giữa người này với người kia, tình làng nghĩa xóm trong khu phố bị rạn nứt. Đây thực sự là “đối trọng” của cuộc vận động lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Thường là khu dân cư nào mà có số người mắc “bệnh” nói sau lưng nhiều thì ở đó, các vụ việc tiêu cực cũng hay xảy ra, tình làng nghĩa xóm ở những nơi ấy luôn “có vấn đề”. Vì vậy, sức rướn của cuộc vận động xây dựng cuộc sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến… luôn bị lực cản từ những người mắc “bệnh” này!
Đó là ở khu dân cư, còn ở cơ quan nhà nước thì sao? Tất nhiên không thiếu! Xin kể vài mẩu chuyện có ảnh hưởng của những người mắc “bệnh” nói sau lưng ở một số cơ quan nhà nước.
Năm trước khi đơn vị T. chuẩn bị bước vào đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ mới, thì xuất hiện một số dư luận liên quan đến đồng chí X, là người đang được cấp ủy cấp trên xem xét, cất nhắc vào vị trí chỉ huy cao hơn. Ngay lập tức dư luận phản ảnh rằng đồng chí X có thái độ coi thường cấp dưới, gây mất đoàn kết trong đơn vị, thiếu dân chủ, không minh bạch trong chi tiêu của tài chính đơn vị… Toàn là những chuyện trước khi bầu cử không hề có một thông tin. Tìm hiểu kỹ lưỡng, những chuyện phát sinh trên có xuất xứ từ một cán bộ vốn không ưa gì tính thẳng thắn, kiên quyết đến độ cứng rắn của đồng chí X. May mà cấp trên tìm hiểu, xác minh thông tin, đã “giải oan” kịp thời cho đồng chí X trước đại hội.
Còn ở địa phương nọ, khi chuẩn bị bầu cử HĐND theo luật định, đồng chí Y được cấp trên đồng ý giới thiệu ra tranh cử. Khi thông tin trên được lan truyền lập tức đồng chí Y bị dư luận phê phán khá gây gắt. Nào là gia đình thiếu gương mẫu trong việc đóng góp xây dựng địa phương, có thái độ xu nịnh cấp trên, coi thường cấp dưới, “chạy chức, chạy quyền”… Nói chung, toàn là những chuyện trên trời rơi xuống, hoặc những chuyện không có được ai đó “tung” lên nhằm gây nhiễu dư luận, nhằm đạt được ý đồ của riêng họ. Nhờ cấp trên tỉnh táo, đa số cử tri nhìn nhận đúng đắn, lựa chọn chính xác nên đồng chí Y vẫn trúng cử.
Tóm lại, “bệnh” nói… sau lưng có triệu chứng muôn màu, muôn vẻ, nhưng hậu quả cuối cùng là làm tổn hại uy danh của người khác, vì ý đồ không trong sáng của một hoặc vài cá nhân nào đó. Căn bệnh này cần sớm loại bỏ trong đời sống xã hội chúng ta.
QUANG LÊ