* Chị T.M.H (TP Tuy Hòa) hỏi: Tôi làm việc liên tục tại một doanh nghiệp từ năm 2007 đến nay, có tham gia BHXH. Nay tôi muốn chấm dứt HĐLĐ. Vậy tôi sẽ được hưởng những chế độ gì?
* Trả lời:
Tại Điều 42 Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung quy định: “Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ một năm trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có”.
Theo quy định tại khoản 6, Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (Luật BHXH), thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định tại Luật BHXH không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động.
Điều kiện để người thất nghiệp được hưởng BHTN được quy định cụ thể tại Điều 81 Luật BHXH, điều 15 Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN như sau: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp; đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 điều này.
Như vậy, đối chiếu các quy định pháp luật đã nêu, nếu chị đã làm việc liên tục tại một doanh nghiệp, nay chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật thì chị được hưởng tiền trợ cấp thôi việc từ năm 2007 đến trước ngày tham gia BHTN, mỗi năm bằng nửa tháng lương cộng phụ cấp lương (nếu có) và hưởng thêm chế độ BHTN nếu doanh nghiệp có tham gia BHTN và chị có đủ điều kiện để hưởng BHTN đã quy định tại Điều 81 Luật BHXH. Hoặc chị được doanh nghiệp chi trả trợ cấp thôi việc cho toàn bộ thời gian đã làm việc từ năm 2007 đến nay, nếu doanh nghiệp không tham gia BHTN.
VĂN PHÒNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT
(LĐLĐ tỉnh)