Thứ Hai, 25/11/2024 16:24 CH
Chung quanh bài viết Mẹ con “người rừng” và uẩn khúc cần soi tỏ:
Báo Phú Yên trả lời bà Lưu Thị Ngọc Dung
Thứ Bảy, 07/07/2012 07:31 SA

Sau khi đăng bài viết Mẹ con “người rừng” và uẩn khúc cần soi tỏ trên số báo ra ngày 9/6/2012 và thông tin về việc các cơ quan chức năng vào cuộc, các nhà hảo tâm đến thăm, giúp đỡ mẹ con T.A (nhân vật chính trong bài viết) trên các số báo sau đó, Báo Phú Yên nhận được đơn của bà Lưu Thị Ngọc Dung ở xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, mẹ T.A. Trong lá đơn có tiêu đề “Đơn khiếu nại”, ghi ngày 29/6/2012, bà Dung viết:

 

tam-anh120707.jpg

Niềm vui của T.A khi được cộng đồng quan tâm giúp đỡ. - Ảnh: V.HOÀNG

“... Gia đình tôi yêu cầu những điều kiện sau đây:

 

- Con gái tôi đần độn từ nhỏ, không học được, không biết chữ, không biết tiền, ai nói gì cũng nghe theo. Ai đã bắt cóc, nuôi dưỡng, dạy bảo và dìu dắt con gái và cháu tôi là mục đích gì? Hiện ở đâu, ra sao mà gia đình tôi không biết, tôi yêu cầu cho tôi được biết.

 

- Ai đã dựng lên cốt truyện và đăng báo loan tin khắp nơi trong khi công việc chưa rõ ràng mà nhà báo loan tin một chiều bên dư luận, trong khi gia đình tôi không biết gì hết. Trong khi thực hư chưa rõ ràng mà nhà báo và cơ quan cấp trên dựng chuyện tày trời cho là chồng tôi là cha của cháu bé. Vậy ai là người đứng ra làm vụ việc này yêu cầu nhà báo chỉ tên người đó cho gia đình được rõ”.

 

Báo Phú Yên trả lời như sau:

Thứ nhất, không ai bắt cóc con gái và cháu bà. Sau khi T.A tố cáo với Công an huyện Đồng Xuân rằng chồng bà, ông Đặng Ngọc Hải, cũng là cha của bé T, con gái của T.A, cơ quan chức năng thấy rằng trong thời gian này không thể đưa mẹ con T.A về nhà sống chung với vợ chồng bà nên đã bố trí chỗ ở tạm thời cho hai mẹ con T.A. Nơi mẹ con T.A ở tạm (lúc đầu là tại Công an huyện Đồng Xuân, sau đó ở tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân và hiện nay là tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên) cũng đã được thông tin trên Báo Phú Yên. Điều này hoàn toàn phù hợp với mong muốn của T.A. Như vậy, bà Dung không thể nói rằng con gái và cháu bà bị bắt cóc.

Thứ hai, bà viết trong đơn là T.A đần độn, thiểu năng trí tuệ. Nhưng qua tiếp xúc, T.A chưa có dấu hiện đần độn, thiểu năng trí tuệ. Chỉ vì không được học hành, không biết chữ, không biết sử dụng tiền, lại phải sống kham khổ, thiếu thốn khá lâu ở giữa đồi núi nên T.A không lanh lợi và không có được những kỹ năng sống mà những người trưởng thành đều có. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn được sự quan tâm, động viên, hướng dẫn của một số phụ nữ tại những nơi mà T.A ở tạm, T.A đã hòa nhập với cuộc sống bình thường khá nhanh, đã biết phân biệt được các loại tiền có mệnh giá từ 20.000 đồng trở xuống, biết nói lời cảm ơn những người đến thăm hỏi, tặng quà... Những biểu hiện của T.A là hoàn toàn bình thường. Còn việc kết luận T.A có đần độn, thiểu năng trí tuệ như bà nói hay không thì phải căn cứ vào kết quả giám định y khoa. Nếu T.A đần độn, thiểu năng trí tuệ như bà Dung khẳng định, thì vợ chồng bà nghĩ gì và nỡ lòng nào để đứa con đần độn, thiểu năng trí tuệ mà mình rứt ruột đẻ ra sống giữa đồi núi, ngày ngày đi chăn bò, tối thui thủi với ngọn đèn dầu trong căn nhà khoảng 4m2, không có cửa nẻo? Vợ chồng bà nỡ lòng nào để đứa con “đần độn, thiểu năng trí tuệ” (như bà viết trong đơn) nuôi con một mình giữa đồi núi, nỡ lòng nào để đứa cháu ngoại mới hơn một tuổi ngày ngày nằm giữa lớp chăn màn bao quanh, giữa hai lớp mùng cột chặt bên ngoài (để cháu bé không quẫy đạp ra khỏi mùng và té xuống nền nhà lởm chởm đá), phải nhịn đói nhịn khát từ sáng, khi T.A lùa bò đi cho đến tận xế chiều, lúc T.A lùa bò về?

Nếu T.A đần độn, thiểu năng trí tuệ như bà Dung đã viết trong đơn, câu hỏi đặt ra là hành vi của vợ chồng bà Dung liệu có phải là ngược đãi con?

Được biết, ngày 3/5/2011, Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Đồng Xuân phối hợp với UBND xã Xuân Long thành lập đoàn công tác đến tận nơi mẹ con T.A sống, vận động gia đình đưa đứa bé về nơi có điều kiện sống an toàn tại nhà ở thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam. Gia đình bà Dung hứa là ngày 6/6/2011 sẽ đưa đứa bé về nơi có điều kiện sống an toàn nhưng rồi không thực hiện. Thế nhưng khi phóng viên hỏi, bà Dung lại khẳng định rằng không ai nói gì về việc T.A và đứa bé sống giữa đồi núi, rằng gia đình bà khổ quá nên T.A phải đi làm thuê. Thậm chí bà Dung còn bảo rằng: T.A nói sống chết gì cũng ở trên rẫy chứ không chịu về nhà. Trong lần tiếp xúc đó, bà Dung một mực bảo rằng vợ chồng bà làm rẫy tại Xuân Sơn Nam, gia đình rất khó khăn mà chính quyền địa phương không quan tâm giúp đỡ, không cứu trợ. Cũng theo lời bà Dung, T.A đi chăn bò thuê trên rẫy thuộc thị trấn La Hai cho ông Hai, bà thường xuyên đến thăm con. Trong khi đó, T.A khẳng định đàn bò trên dưới 20 con mà T.A chăn trên rẫy trong những năm qua ở Xuân Long là của cha mẹ cô; thỉnh thoảng cha mẹ cô mới lên đây cung cấp gạo, mắm. T.A còn kể rằng có lần cha mẹ cô bán bò, người mua bò thương tình cho cô một ít tiền nhưng mẹ cô đã lấy ngay sau đó.

Còn trong lá đơn “Mẹ xin nhận con về nhà” ghi ngày 2/7/2012, bà Dung lại viết rằng bà và T.A cùng ở Lỗ Vàng (Xuân Long) làm đất và chăn nuôi bò. Cùng một sự việc, vậy đâu là sự thật trong lời nói, trong lá đơn của bà Dung?

rung-10120807.jpg

Đứa trẻ con T.A sống trong căn nhà này, nhịn đói nhịn khát khi mẹ đi chăn bò từ sáng đến xế chiều - Ảnh: V.HOÀNG

Thứ ba, Báo Phú Yên và cơ quan cấp trên không “dựng câu chuyện tày trời” như bà Dung đã viết, mà chỉ phản ánh thực trạng một đứa bé mới hơn một tuổi, suy dinh dưỡng, sống với mẹ giữa đồi núi, trong thiếu thốn, kham khổ, không an toàn. Theo lời T.A thì cô bị cha ép quan hệ tình dục và sinh ra đứa bé này, Báo Phú Yên đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ uẩn khúc đó, đồng thời tạo điều kiện để mẹ con T.A được sống một cuộc sống bình thường. Bài viết đăng trên Báo Phú Yên không hề khẳng định chồng bà là cha cháu bé. Khi nào cơ quan chức năng có kết luận, Báo Phú Yên sẽ thông tin đến bạn đọc. Nếu sự thật đúng như lời T.A, người có hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn nếu sự thật không như lời T.A nói, báo sẽ thông tin để xóa tan dư luận không hay râm ran từ hơn một năm nay. Điều đó rõ ràng là có lợi cho chồng bà.

Báo đăng bài viết trên với mong muốn các cơ quan chức năng can thiệp, các nhà hảo tâm giúp đỡ để mẹ con T.A có một cuộc sống bình thường, đặc biệt là cháu bé được sống trong môi trường an toàn. Và thực tế là nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đến động viên, giúp đỡ mẹ con T.A về tinh thần, vật chất. Tài khoản của T.A ở ngân hàng hiện có hơn 60 triệu đồng, từ sự giúp đỡ của các tổ chức, các nhà hảo tâm gần xa. Đặc biệt, Tỉnh đoàn Phú Yên quyết định hỗ trợ bé T, con gái T.A , từ nay cho đến khi tốt nghiệp THPT. Còn T.A, sau một thời gian dài sống thui thủi giữa đồi núi, ngày ngày đi chăn bò và chỉ ăn hai bữa kham khổ, đêm hôm chỉ có một mình với đứa con nhỏ giữa đồi núi quạnh hiu, giờ đây T.A đã biết ăn ngày ba bữa cơm như những người bình thường, biết ăn cá, thịt.., biết sử dụng nước máy, xem tivi, biết được mệnh giá của một số loại tiền… Đứa trẻ con của T.A được mẹ chăm sóc, không bị đói khát như lúc sống trên rẫy nên đã lanh lợi hơn rất nhiều.

Làm thế nào để mẹ con T.A hòa nhập với cuộc sống bình thường, đó là mục đích của Báo Phú Yên khi đăng bài viết trên. Còn những uẩn khúc trong câu chuyện mà T.A đã kể, khi cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có kết luận, Báo Phú Yên sẽ thông tin đến bạn đọc.

BÁO PHÚ YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek