Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh các vụ việc bạo hành phụ nữ, trẻ em khiến công luận phẫn nộ. Nhưng đó chỉ là những vụ việc nổi cộm, còn rất nhiều những vụ bạo hành phụ nữ, trẻ em ở những vùng quê xa xôi, hẻo lánh chưa được phơi bày. Vì nhiều lý do, những vụ bạo hành đã được chính những người trong cuộc che đậy, giấu kín.
Ảnh minh họa: Internet
Năm 2007, Luật Phòng chống bạo lực gia đình được ban hành và năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai “Mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình”. Theo đó, đã có nhiều vụ bạo hành được đưa ra công luận, bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật, nhưng vấn đề nhức nhối này vẫn xảy ra khá phổ biến.
Một trong số nhiều phụ nữ bị bạo hành là chị Phạm Thị Thanh T (thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa). Năm 2009, chị T bị tai nạn giao thông, liệt nửa người. Không được chồng chăm sóc mà còn bị chồng đánh đập, hành hạ đến khi không thể chịu nổi, chị T gửi đơn tố cáo đến địa phương và gửi đơn ly hôn đến tòa án để mong sống thanh thản những ngày còn lại. Còn chị Nguyễn Thị X (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) buồn rầu tâm sự: “Mỗi lần chồng đi chơi về, tôi chưa nói hết câu là bị đánh đến tím mình. Vừa rồi, tôi bị chồng đánh gãy chân, vừa điều trị ở bệnh viện tỉnh về”.
Sở dĩ còn tình trạng này là việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ ở xã, phường, thị trấn, nhất là thôn, buôn… chưa được thường xuyên và đúng mức. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân nói chung, của chị em nói riêng về bình đẳng giới, quyền tiến bộ của phụ nữ còn nhiều hạn chế. Khi bị bạo hành, chị em phụ nữ thường im lặng, họ còn nghĩ rằng chồng đánh vợ là chuyện... bình thường. Vì vậy, chị em nhẫn nhịn, chịu đựng… để gìn giữ sự êm ấm cho gia đình(!). “Tôi không dám nhờ người khác giúp mỗi khi bị chồng đánh, vì có người giúp lúc đó nhưng sau này bị đánh càng nhiều hơn”, chị L. một phụ nữ thường bị bạo hành tâm sự.
Thêm nữa, với lối sống bàng quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, “đèn nhà ai nấy tỏ” của láng giềng, cùng với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại ở nhiều gia đình và sự vào cuộc thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít vụ bạo hành phụ nữ vẫn xảy ra.
Để thực hiện tốt việc bảo vệ phụ nữ, ngăn ngừa mọi sự xâm hại danh dự, tính mạng của phụ nữ, thiết nghĩ cần phải nêu cao trách nhiệm cộng đồng, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể cùng chung tay phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời, việc tuyên truyền về bình đẳng giới cần được thực hiện thường xuyên, sâu rộng để nâng cao nhận thức cộng đồng. Và hơn ai hết, mỗi người vợ phải phát huy phẩm chất tốt đẹp, đức tính đôn hậu của người phụ nữ Việt Nam; mỗi người chồng phải cư xử với vợ con sao cho xứng là một “người đàn ông”; cùng xây dựng mối đoàn kết nội bộ để mỗi gia đình là tế bào tốt trong xã hội.
NGUYỄN MINH HUY