Ở các miền quê, một bộ phận không nhỏ thanh niên không có việc làm, thường chơi bời, lêu lổng, dẫn đến sa ngã vào tệ nạn xã hội; nhiều thanh niên phải rời quê ra thành phố tìm việc. Những bất cập đó đã tồn tại từ nhiều năm nay ở địa bàn nông thôn, làm lãng phí không nhỏ nguồn lao động trẻ.
Để giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn cơ sở đã triển khai nhiều mô hình, nhiều hoạt động giúp thanh niên chọn nghề, lựa chọn việc làm; tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên vay vốn làm ăn, nâng cao thu nhập và làm giàu… Đó là tiền đề để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn một cách bền vững.
Anh Nguyễn Văn Toàn (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) tâm sự: “Tôi cùng một số thanh niên trong xã được học nghề sửa chữa điện dân dụng miễn phí. Thời gian học chỉ có ba tháng, chúng tôi chưa nắm hết được các kỹ thuật, tay nghề còn yếu, do vậy học xong chỉ sửa chữa điện trong nhà chứ chưa dám ra làm công”.
Các cấp, các ngành đã coi trọng nhiệm vụ đào tạo nghề và bố trí việc làm cho lao động nông thôn. Nhiều cơ sở khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, Trung tâm dạy nghề các huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về khoa học - kỹ thuật giúp thanh niên nông thôn tiếp cận với những tiến bộ mới của khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi để thanh niênlập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình.
Nhằm tạo ra nhiều việc làm và tăng nguồn thu nhập cho lao động nông thôn, trong đó có thanh niên nông thôn, chính quyền và các cơ quan chức năng cần mở rộng hơn nữa công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho thanh niên nông thôn, trang bị cho họ những kiến thức nghề nghiệp phù hợp, như thợ hồ, thợ mộc, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác lâm sản, thủy sản; hỗ trợ vốn, công nghệ giúp thanh niên nông thôn làm ăn đạt hiệu quả.
MAI LINH CHI