Tại khoản 3, Điều 28 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Cấm người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động”. Nghị định 34/2010/NĐ-CP cũng quy định “Phạt tiền từ 40.000-60.000 đồng đối với hành vi người đang điều khiển xe sử dụng điện thoại di động...”.
Ảnh minh họa: internet |
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện thoại di động vẫn còn khá phổ biến. Mặc dù được sự tuyên truyền, nhắc nhở của lực lượng chức năng nhưng nhiều người vẫn vi phạm quy định này.
Việc sử dụng điện thoại di động là nhu cầu thiết yếu để liên lạc, tuy nhiên, khi đang lưu thông trên đường, nghe điện thoại sẽ làm giảm sự tập trung, tay lái không vững, quan sát kém... Hậu quả là xử lý không kịp thời các tình huống đột xuất xảy ra.
Ông Lê Văn Trung, một người dân ở phường 5 (TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Khi cầm tay lái mà người điều khiển say sưa nói chuyện qua điện thoại không quan sát đường đi thì rất nguy hiểm. Tôi từng là nạn nhân và cũng không ít trường hợp bị ngã xe, hay thót tim vì va chạm vào xe do người đang sử dụng điện thoại di động lúc lái xe gây ra”.
Theo thống kê, việc không chú ý quan sát dẫn đến tai nạn giao thông chiếm tỉ lệ đến 30% nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông do xe mô tô, xe gắn máy gây ra. Hành vi này sẽ bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng, đồng thời bị tước giấy phép lái xe 60 ngày. Trường hợp gây tai nạn giao thông nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Thiết nghĩ, khi có nhu cầu liên lạc, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy nên quan sát, dừng xe theo quy định trước khi nghe - gọi điện thoại, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc do sự chủ quan của bản thân.
Mong rằng các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trên, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường.
NGUYỄN TIẾN THÀNH