Thứ Tư, 09/10/2024 01:24 SA
Định hướng học sinh vô trường nghề
Thứ Hai, 31/10/2011 13:00 CH

Xin gọi chung các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên... ở các huyện, thị xã, thành phố bằng cái tên: trường nghề. Mặc dù trường nghề không thiếu nhưng thị trường lao động cứ rơi vào tình trạng thừa thầy thiếu thợ, hoặc thợ thiếu tay nghề.

 

hoc-nghe111031.jpg
Ảnh chỉ mang tính minh họa. - Nguồn: internet

Có hai mốc thời gian cho học sinh phổ thông vô trường nghề, đó là thời điểm tốt nghiệp lớp 9 và lớp 12.

 

MỐC LỚP 9

 

Các trường nghề đã không làm tốt công tác quảng bá hình ảnh, đưa thông tin đào tạo, do đó cha mẹ học sinh chưa rõ mô hình đào tạo của trường nghề nên hầu hết học sinh tốt nghiệp THCS đã nộp đơn xét tuyển hoặc thi tuyển vào THPT; có những em không còn thích ứng với việc học văn hóa song cha mẹ vẫn ép học. Các học sinh này thường “đuối” trong những năm cấp ba. Không còn khả năng theo kịp chương trình, một số em - đặc biệt là nam sinh - quẳng chuyện học sang một bên để chơi game, bi da, uống rượu, hút thuốc, thậm chí còn đua xe, trộm cắp, đánh nhau...

 

Nên chăng ngành Giáo dục đề ra chủ trương “định hướng trường nghề” để các trường THPT mạnh dạn gạt bỏ bệnh thành tích, phối hợp với trường nghề, với cha mẹ học sinh tạo điều kiện cho các em học sinh không còn thích ứng với việc học văn hóa chuyển sang trường nghề phù hợp với khả năng và sự yêu thích (nếu có).

 

MỐC LỚP 12

 

Có thể nói, số sinh viên được tuyển theo kiểu “vét cạn” như lâu nay không đáp ứng nổi chương trình cao đẳng, đại học. Các em chỉ “tựa” vào chiếc ghế ở giảng đường để bòn rút tiền cha mẹ ăn chơi, “kéo cưa” cho hết mấy năm đại học. Vì vậy, một số em không lấy nổi tấm bằng, hoặc nếu có được bằng đại học, cao đẳng thì tờ giấy chứng nhận ấy cũng không phản ánh đúng thực lực. Khi số sinh viên này được phân bổ công việc, hệ lụy thật khó lường!

 

Không có khả năng học tập, không tạo ra sản phẩm cho xã hội mà còn góp phần làm tiêu hao số tiền “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” của cha mẹ, số sinh viên “nhàn cư vi bất thiện” này sớm muộn gì cũng sẽ sa ngã trước các tệ nạn xã hội, dù ít dù nhiều đều làm méo mó bộ mặt giáo dục của nước nhà.

 

Nên chăng cần một sự cam kết ở mức nào đó về kiến thức cơ bản giữa sinh viên với nhà trường, rằng nếu không đạt yêu cầu, sinh viên buộc phải chuyển sang trường nghề bất cứ thời điểm nào. Tất nhiên là với sự chung tay của toàn xã hội, ý tưởng trên mới mong thực thi.

 

NGUYỄN PHI HÙNG

(Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek