Trên thị trường hiện nay, việc mua một chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) giá rẻ là khá dễ dàng. Vì thế, trẻ em sử dụng ĐTDĐ rất phổ biến. Các bậc cha mẹ thường không ngần ngại khi mua cho con mình ĐTDĐ vì nó rất cần cho các em trao đổi bài vở với bạn bè, liên lạc với gia đình mỗi khi cần thiết và cha mẹ có thể kiểm tra con cái mọi lúc, mọi nơi… Thế nhưng, việc sử dụng ĐTDĐ luôn tiềm ẩn những tác hại khôn lường đối với trẻ em.
Trẻ em thường rất “ghiền” ĐTDĐ. Vì trong điện thoại đã cài sẵn các trò chơi điện tử, các tiết mục giải trí, nghe nhạc, xem phim, nhắn tin với bạn bè… Có em còn dùng sim khuyến mãi để chọc phá, quấy rối người khác. Do vậy, thời gian các em dành cho việc học ít đi, không có thời gian phụ giúp gia đình hay rèn luyện kỹ năng. Trẻ em vốn có tính tò mò, khi chiếc ĐTDĐ trở thành vật sở hữu thì chúng sẽ khai thác triệt để. Có nhiều em học hành rất kém nhưng lại có thể nhớ hầu hết các địa chỉ trên mạng, biết rất rõ từng chủng loại, chức năng của ĐTDĐ và thao tác nhanh như... gió. Ở tuổi mười ba, mười bốn các em đã bước vào giai đoạn dậy thì và trong lòng bắt đầu hình thành cảm xúc yêu đương. Các em luôn khát khao, mong ước được như người lớn, nhưng hầu hết còn ngại ngùng, mắc cỡ khi đối mặt với bạn khác giới. Vì thế, thông qua tin nhắn trên ĐTDĐ các em sẽ thổ lộ tất cả. Và khi có điều kiện để phát triển tình cảm, cùng với phim ảnh không mấy trong sáng như hiện nay, thì việc tò mò chuyện quan hệ tình dục ở trẻ vị thành niên là không tránh khỏi.
Có một thực tế đau lòng là tình trạng mang thai, nạo phá thai ở trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng, tình trạng trẻ em lêu lổng cũng tăng theo tỉ lệ thuận. Đành rằng không phải hoàn toàn do ĐTDĐ gây ra, nhưng khi các em sử dụng điện thoại sai mục đích mà không bị kiểm tra, nhắc nhở thì hậu quả sẽ khôn lường. Nó sẽ làm cho các em mất đi sự trong sáng, hồn nhiên của tuổi thơ mà tập tành theo cách sống của người lớn. Từ đó khiến cho các em sai lệch trong suy nghĩ và nhận thức, thiếu ý thức tự chủ trong hành động và khi đã phạm sai lầm thì dễ buông thả lao theo mà không biết cách để dừng lại.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng nên thường xuyên kiểm tra và xử lý triệt để những sai phạm ở các dịch vụ ĐTDĐ. Nhà trường nên có biện pháp phối hợp với phụ huynh học sinh giám sát chặt chẽ việc sử dụng ĐTDĐ của các em. Có như thế mới mong tránh được những điều đáng tiếc có thể xảy ra, giúp cho con em chúng ta có một cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn.
NGUYỄN VĂN SÁNG
(phường 5, TP Tuy Hòa)