* Hỏi: Đảng viên A là huyện ủy viên huyện K, cách đây 4 năm có sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, bị truy tố trước pháp luật. Quá trình xét xử phải bổ sung hồ sơ nhiều lần nên đến phiên sơ thẩm vào cuối năm 2010, đảng viên A không còn là huyện ủy viên (vì đã hết nhiệm kỳ). Bản án sơ thẩm tuyên phạt đảng viên A với mức án 5 năm tù giam, án có hiệu lực pháp luật.
Ủy ban Kiểm tra huyện ủy K đã ra quyết định kỷ luật khai trừ Đảng đối với đảng viên A. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 35, Quyết định số 25-QĐ/TW ngày 24/11/2006 của Bộ Chính trị có ghi: “Đối với đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã nghỉ hưu nếu có vi phạm khi đang công tác, nay mới phát hiện thì thẩm quyền thi hành kỷ luật của các tổ chức đảng được thực hiện như đối với đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đang đương chức…”.
Vậy Ủy ban Kiểm tra huyện ủy K kỷ luật khai trừ đảng viên A nguyên là huyện ủy viên, đúng hay sai?
(Ghi chú: Năm 2009, huyện ủy K có văn bản báo cáo và đề nghị cấp ủy cấp trên cách chức huyện ủy viên đối với đảng viên A nhưng chưa được cấp có thẩm quyền quyết định).
* Trả lời:
Khoản 4, Điều 36, Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII, Điều lệ Đảng (khóa X) (kèm theo Quyết định số 25-QĐ/TW ngày 24/11/2006 của Bộ Chính trị) có ghi: “Ủy ban kiểm tra của cấp ủy huyện, quận và tương đương quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên cơ sở (kể cả bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ) và cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp; quyết định các hình thức kỷ luật đối với đảng viên, kể cả đảng viên là bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên của chi bộ, đảng ủy bộ phận trực thuộc đảng bộ cơ sở hoặc cán bộ thuộc diện đảng ủy cơ sở quản lý nhưng không phải là đảng ủy viên đảng ủy cơ sở hay cán bộ do cấp ủy huyện, quận và cấp tương đương quản lý”.
Khoản 4, Điều 40, Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII, Điều lệ Đảng (khóa X) (kèm theo Quyết định số 25-QĐ/TW ngày 24/11/2006 của Bộ Chính trị) quy định: “…Tổ chức đảng quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên là tổ chức đảng có thẩm quyền khai trừ đối với đảng viên đó. Ví dụ: đình chỉ sinh hoạt đảng của một huyện ủy viên do ban thường vụ tỉnh ủy quyết định”.
Trường hợp đồng chí hỏi, đảng viên A vi phạm kỷ luật khi đang là huyện ủy viên do quá trình điều tra, xét xử phải kéo dài đến khi hết nhiệm kỳ, khi đảng viên A không còn là huyện ủy viên nữa thì bản án mới có hiệu lực pháp luật. Mặc dù năm 2009, huyện ủy K có văn bản báo cáo và đề nghị cấp ủy cấp trên cách chức huyện ủy viên đối với đảng viên A nhưng chưa được cấp có thẩm quyền quyết định. Việc này đồng nghĩa với việc đảng viên A chưa bị xử lý kỷ luật đối với sai phạm nói trên cho đến khi bản án có hiệu lực, nên vẫn còn là huyện ủy viên.
Căn cứ vào Điều lệ Đảng và các quy định trong hướng dẫn đã nêu trên, thì việc Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy K ra quyết định kỷ luật khai trừ đảng viên A ra khỏi đảng là không đúng thẩm quyền.