Thứ Hai, 13/01/2025 21:36 CH
Văn hóa du lịch, nhìn từ góc độ của nhân viên phục vụ
Thứ Hai, 30/11/2009 10:30 SA

Chiều 13/11/2009, trên chuyến xe buýt Cúc Tư biển số 78K 73-14 chạy tuyến Tuy Hòa – Sơn Hòa, đến km 02 quốc lộ 25, trong số hành khách phục vụ trên xe có một ông già ăn xin bị mù cả hai mắt. Anh phục vụ trên xe dìu ông vào ghế ngồi cẩn thận. Lúc đó có người nói:

 

- Chú cho ông già đi nhờ đừng lấy tiền tội nghiệp! anh bán vé còn đang lưỡng lự thì anh tài xế vội nói: “Nếu không bán vé lỡ có người của doanh nghiệp đi kiểm tra đột xuất họ phạt chúng tôi”. Đôi ba người lại lên tiếng tỏ ý thương cảm cho hoàn cảnh ông già mù, anh nhân viên bán vé có cái răng khểnh cười rất tươi rồi quyết định:

 

- Cháu tặng chú tấm vé này, chúc chú đi đường bình an! Thích thú trước nghĩa cử của anh bạn trẻ đó, tôi đến doanh nghiệp Cúc Tư tìm hiểu thì được biết anh tên là Lưu Thế Thắng (sinh 1984) mới vào làm việc cho DN Cúc Tư chưa đầy 2 tháng. Và lúc trên xe tôi còn kịp biết tên ông già mù là Phán, ông Phán xuống xe đoạn Suối Bà Lượng, ở thôn Phú Sen xã Hòa Định Tây.

 

Trên các mẫu quảng cáo tuyển nhân viên qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thường nghe thấy các tiêu chuẩn về tuổi tác, trình độ, ngoại hình dễ coi... mà gần như không thấy đòi hỏi về thái độ, hành vi cư xử của nhân viên cần tuyển dụng đối với khách hàng. Thói thường nhân viên ít khi dám vô lễ với các ông chủ, bà chủ nhưng thỉnh thoảng lại bắt gặp một vài hình ảnh không hay cho lắm của các nhân viên đối với khách hàng. Tất nhiên tùy theo mức độ, thế nhưng ẩn sâu trong đó là cái gốc của văn hóa và sự giáo dục hay yêu cầu đặt ra đối với nhân viên khi được tuyển dụng. Trước đây, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Phú Yên đã phát sóng bộ phim “Nữ tiếp viên hàng không”, xem phim chúng ta thấy được sự đòi hỏi khắt khe trong nghề nghiệp của nước bạn. Chưa hẳn các cô nhân viên nữ có ngoại hình dễ coi đều có thái độ phục vụ tốt, đôi khi các cô gái trẻ đẹp lại hay “chảnh” hoặc tỏ ra ngạo mạn, vô lễ nữa là khác.

 

Ông bà ta thường nói “Thầy nào tớ đó” quả không sai. Nhân viên thường hay học theo phong cách ông chủ, bà chủ. Muốn đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ tốt thì trước hết các ông chủ bà chủ phải có văn hóa ứng xử giao tiếp. Cách đây đã lâu, có dịp làm việc với anh Trình Quang Bảo – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Việt. Hôm nọ bấm lộn phím qua số máy của anh, tôi vội vàng tắt ngay. Không kịp nữa rồi vì đối phương đã gọi lại, và tôi nghe giọng nói của anh “Xin lỗi ai gọi Bảo có việc gì không ạ?”. Tôi đành nói qua loa lâu quá không gặp nên gọi điện hỏi thăm sức khỏe thôi mà. Qua chi tiết trên tôi thấy anh Bảo là một ông chủ trẻ của một doanh nghiệp lớn mà có cách cư xử rất tế nhị và lịch thiệp.

 

Được biết trong tháng 10/2009 có nhiều cuộc gặp mặt và làm việc với các đại sứ, lãnh sự của gần 10 nước giới thiệu về đầu tư ở Phú Yên. Cơ hội mở ra cho ngành du lịch Phú Yên nhiều triển vọng mới. Mong sao các nhà làm du lịch ở Phú Yên cũng nên chú trọng về vấn đề đào tạo con người.

 

HOÀNG CƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek