Trong “Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2008 - 2020”, việc nâng chất lượng đội ngũ giáo viên được xem là giải pháp có tính đột phá, trong đó có việc học sinh, sinh viên đánh giá thầy cô giáo.
Một giờ học ở Trường tiểu học Âu Cơ (TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.HẰNG |
Qua dự thảo, có ý kiến phản ứng vì cho rằng truyền thống “tôn sư trọng đạo” của nhân dân ta qua bao đời nay không có chuyện trò được phép phê phán, đánh giá thầy, cô giáo. Quan niệm “quân - sư - phụ” được thấm sâu vào xương thịt mà nay lại cho phép học trò đánh giá thầy cô. Nếu có số học sinh không ngoan, ham chơi trốn học được thầy cô giáo phê phán, thậm chí phải dùng kỷ luật thì số học sinh này đôi lúc “được phép” đánh giá sai lệch thầy, cô giáo... Nếu lấy kết quả đánh giá đó để đo, bình xét thầy cô, chẳng phải “người tốt thành xấu”, “trắng thành đen”.
Có ý kiến đồng tình cho rằng, phải có sự nhận xét của học sinh, sinh viên. Bởi, chính học sinh, sinh viên là đối tượng được thụ hưởng “tiên học lễ hậu học văn”, nên các em phải có quyền được nhận xét người đã và đang đào tạo mình, dạy dỗ mình. Công bằng mà nói, học sinh, sinh viên đến trường ngoài thu nhận kiến thức, còn phải được giáo dục thẩm mỹ, rèn luyện nhân cách, phẩm chất. Cho nên, người thầy đứng trên bục giảng phải có tri thức, phẩm chất, đạo đức. Thầy cô nào không gương mẫu thì học trò có quyền phản ảnh.
Truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “không thầy đố mày làm nên” học sinh, sinh viên cần phải phát huy nhưng cũng phải có cách nhìn mới phù hợp hơn.
Trên thực tế, đó đây vẫn có thầy cô không mẫu mực: bán điểm, sàm sỡ học sinh, non yếu chuyên môn, lại bắt học sinh, sinh viên “tâm phục, khẩu phục”. Người thầy toàn tâm, toàn ý “vì thế hệ trẻ”, có tài, có đức thì nhất định không sợ ai đánh giá mình.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nói “Nhận xét của người học sẽ là một trong những động lực cho giáo viên tự thay đổi mình theo hướng tích cực. Và đây cũng là vấn đề mà các thầy cô giáo phải chuẩn bị tâm lý cho một sự đổi mới về chất lượng dạy học”.
PHẠM NGỌC TRÂN