Cách xưng hô kiểu “anh Hai, anh Năm, chị Bảy” vốn quen thuộc trong gia đình miền
“Thưa chú Sáu, thưa cô Chín”… là cách cấp dưới xưng hô với cấp trên; còn cấp trên gọi cấp dưới là “thằng Ba”, “con Tám” như cha chú gọi con cháu. Đây dường như là chuyện thông thường ở phần nhiều cuộc trao đổi tại công sở. Thậm chí nó cũng xuất hiện thường xuyên trong các buổi họp hành, hội nghị. Có quan niệm cho rằng, cách gọi đó chỉ đơn thuần thể hiện sự thân mật, mà không nghĩ rằng chính lối xưng hô ấy hàm chứa cả sự nhập nhằng công – tư nơi công sở.
Quan hệ thứ bậc nhưng bình đẳng giữa các thành viên trong cộng đồng tại nơi làm việc hoàn toàn khác với mối quan hệ mang tính thứ bậc trên dưới trong gia đình. Tôn ti trật tự trong gia đình gắn liền với quan hệ ruột thịt nên luôn có sự chi phối về tình cảm. Mối quan hệ hành chính xã hội nếu có gắn liền với chức vụ, thứ bậc thì là do sự phân công của xã hội với những chế định chặt chẽ của luật pháp. Để kiểu xưng hô gia đình với mục đích “thân mật hóa” thành thói quen xưng hô giao tiếp ở nơi công sở, vô hình chung chúng ta đã đồng hóa hai mối quan hệ khiến công – tư dễ lẫn lộn.
Một vấn đề nữa cần lưu ý là hiện nay, chúng ta đang tiến hành cải cách hành chính. Việc tu chỉnh lại cách xưng hô nơi công sở – tuy không phải là chuyện lớn – nhưng cũng rất cần thiết để tránh tình trạng xuề xòa, theo kiểu gia đình ở nơi làm việc của các thành viên trong công sở. Nếu không, điều đó sẽ cản trở khá nhiều đến việc thực hiện nghiêm túc các quy chế hành chính. Chúng ta sẽ khó thực hiện được tốt công việc nếu không phân biệt được rạch ròi khi nào, ở đâu thì xử sự theo lý trí và khi nào thì xử sự theo tình cảm.
Cần có cái nhìn cho đúng về cách xưng hô trong công sở hiện nay.
VIỆT HỒNG