Được đồng đội và những người có trách nhiệm xác nhận từng tham gia kháng chiến chống Mỹ hơn 12 năm, nhưng do những sơ suất trong khâu thực hiện chính sách của đơn vị chức năng, bà Lê Thị Dạng, sinh năm 1947, hiện ở thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) chỉ nhận được Huy chương Kháng chiến hạng nhì, thay vì phải là Huân chương Kháng chiến hạng ba. Điều đáng nói hơn, bà Dạng thuộc đối tượng được hưởng chế độ một lần theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng hiện nay, “cấp trên” đề nghị khai giảm thời gian tham gia chống Mỹ xuống còn... một nửa để phù hợp với Huy chương kháng chiến hạng nhì mà bà được trao tặng năm 1993!
Bà Lê Thị Dạng chăm sóc Mẹ Việt |
YÊU CẦU KHAI... GIẢM THỜI GIAN THAM GIA CHỐNG MỸ!
Bà Dạng cho biết, đầu tháng 3/2009, bà được mời đến UBND xã Hòa Trị và đã nhận lại hồ sơ từ một cán bộ xã đội với yêu cầu khai lại hồ sơ theo hướng hạ thấp thời gian tham gia du kích mật, tức khoảng từ 5 năm đến dưới 7 năm; mục đích để phù hợp với tiêu chuẩn Huy chương kháng chiến hạng nhì mà bà đã nhận năm 1993. Bị trả lại hồ sơ, nhưng bà Dạng cũng không rõ cấp nào trả lại, và người ký trả lại họ tên đầy đủ là gì, cơ quan nào.
Chúng tôi thấy trên phiếu thẩm định hồ sơ có 4 phần dành cho 4 cơ quan xác nhận thì đã có chữ ký và đóng dấu của Cơ quan Quân sự huyện Phú Hòa và chữ ký của trung tá Trần Văn Mai, Trưởng ban chính sách tỉnh Phú Yên, xác nhận thời gian công tác của bà Dạng là trên 12 năm. Hai phần còn lại dành cho Phòng Chính sách Quân khu và Cục Chính sách Tổng cục Chính trị chưa thẩm định. Nội dung trả lại hồ sơ được viết tay trên mẩu giấy nhỏ: “Tham gia du kích trên 12 năm tại sao được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhì? Đề nghị khai đúng thời gian tham gia có xác minh kết luận của địa phương” và ký tên “Dũng”, ngày 22/5/2008.
Bà Dạng vô cùng bức xúc việc này. Bà cho biết, năm 1993, bà đã trả lại Huy chương Kháng chiến hạng nhì vì các cấp xét không đúng với quy định Nhà nước. Sau đó, Phòng LĐ-TB-XH thị xã Tuy Hòa đã động viên bà nhận vì do có sự thiếu sót từ cơ sở.
CẦN TRẢ LẠI CÔNG BẰNG CHO BÀ DẠNG
Xem hồ sơ, chúng tôi nhận thấy: Biên bản hội nghị liên tịch ngày 7/12/2007 của thôn Quy Hậu gồm đại diện thôn, chi bộ, chi hội Cựu chiến binh, Người cao tuổi, lão thành cách mạng... xác nhận bà Lê Thị Dạng là du kích mật hoạt động tại địa phương từ năm 1963 cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tiếp theo, ngày 14/12/2007, Hội Cựu chiến binh xã Hòa Trị tổ chức hội nghị Ban chấp hành xét hưởng chế độ một lần cho các đối tượng trong xã được hưởng theo Quyết định 290/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị đã biểu quyết bà Dạng có thời gian tham gia du kích trên 12 năm. Ngày 19/12/2007, UBND xã Hòa Trị cũng có công văn số 15/CV-UB gửi Hội đồng Chính sách 290 các cấp. Nội dung công văn nêu rõ: “UBND xã Hòa Trị đã tổ chức xác minh, xét duyệt và niêm yết, thông báo danh sách đối tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến nhân dân địa phương, chúng tôi thấy không có khiếu kiện gì về đối tượng đã xét duyệt, nhất trí xác nhận và đề nghị bà Lê Thị Dạng (1947) thời gian tham gia du kích từ năm 1963 đến 30/4/1975 do đơn vị xã Hòa Trị quản lý”. Sau đó, thượng tá Cao Văn Hiến (Huyện đội Phú Hòa) và trung tá Trần Văn Mai (Ban Chính sách tỉnh Phú Yên) đã ký, đề nghị thời gian được tính để hưởng chế độ một lần của bà Dạng là từ năm 1963 đến tháng 4/1975, với số tiền là 5 triệu đồng.
Trong hồ sơ đề nghị còn nhiều nhân chứng khác hiện còn sống. Trong giấy xác nhận của mình, ông Lê Tỷ Xương, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sơn Hòa, nghỉ hưu tại địa phương, trong chống Mỹ là cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuy Hòa II, đã cam đoan về bà Dạng: “Trong kháng chiến chống Mỹ (1963 - 1975), tôi xây dựng cơ sở cách mạng hợp pháp với công tác chủ yếu là du kích mật, đào hầm bí mật, chuyển thư cách mạng cho tề, ngụy, cung cấp tình hình, cảnh giới khi cách mạng về hoạt động. Bà làm công tác cách mạng rất gan dạ, hăng hái, được cán bộ, bộ đội cách mạng rất tin tưởng”. Ông Nguyễn Thanh Yên, trong kháng chiến chống Mỹ là lực lượng của huyện cử về tham gia đội công tác tại xã Hòa Trị, cũng cam đoan xác nhận nhiệm vụ và thời gian công tác của bà Dạng như sau: “Từ tháng 1/1963 đến 30/4/1975, bà là cơ sở du kích mật nắm tình hình địch, chuyển thư từ vùng địch lên căn cứ cách mạng, đào hầm nuôi giấu cách mạng, đi cùng với đội công tác xã xây dựng cơ sở cách mạng là đúng sự thật”.
Căn cứ hồ sơ đã được chính quyền địa phương xác nhận, theo quy định bà Dạng là một trong 4 đối tượng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba (tham gia kháng chiến từ 10 đến dưới 15 năm), nhưng theo bà, từ lâu nay đã bị thiệt thòi về danh dự lẫn chế độ trợ cấp. Việc bà phải nhận Huy chương Kháng chiến hạng nhì không thuộc trách nhiệm cá nhân của bà. Việc trả lại hồ sơ và “Đề nghị khai đúng thời gian tham gia có xác minh kết luận của địa phương” cũng như chính quyền địa phương yêu cầu bà khai lại thời gian công tác cho phù hợp với tiêu chuẩn Huy chương Kháng chiến hạng nhì (tham gia kháng chiến từ 5 năm đến dưới 7 năm) là không hợp lý, bởi hồ sơ đã được cơ sở xác minh đầy đủ.
Bà Dạng có cha hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, anh và em trai cũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, bản thân bà từng bị địch bỏ tù, tra tấn... Bà là đứa con duy nhất còn sống sót sau chiến tranh của Bà mẹ Việt
Ông Dương Công Toản, Chủ tịch UBND xã Hòa Trị: “Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ một lần của bà Dạng bị trả lại do Tỉnh Đội Phú Yên chuyển về Huyện Đội Phú Hòa và Huyện Đội chuyển về xã, sau đó Xã Đội mời bà Dạng đến nhận lại hồ sơ. Về nội dung “tham gia du kích 12 năm tại sao được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhì” và “đề nghị khai đúng thời gian tham gia có xác minh kết luận của địa phương” được ghi trên mẩu giấy viết tay kèm theo hồ sơ nhưng không ghi đầy đủ họ tên, chức vụ và cơ quan yêu cầu, đề nghị nên hiện nay chính quyền địa phương không có cơ sở xem xét và trả lời vì sao bà Dạng không được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba mà chỉ nhận Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Về thời gian công tác của bà Dạng, Hội đồng thẩm định địa phương đã xác minh kết luận, do đó không thể yêu cầu bà Dạng khai lại”.
HUY VÂN