Thời gian gần đây, khi hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại được siết chặt theo chủ trương kiềm chế lạm phát của Nhà nước thì việc đổ bể các dây hụi, họ (một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán) trở nên phổ biến. Chơi hụi, họ pháp luật dân sự không cấm nhưng tiềm ẩn những rủi ro mà những người chơi không lường hết được.
Thực tế cho thấy khi chủ hụi tuyên bố đổ bể, bỏ trốn khỏi địa phương thì nhiều người đã ky cóp từng đồng đổ vào các dây hụi, họ phải gánh chịu thiệt hại. Hạnh phúc gia đình cũng bị ảnh hưởng. Dưới góc độ quản lý Nhà nước, đây cũng là nguyên nhân gây mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương (do người dân tập trung khiếu nại, khiếu kiện đông người…). Không chỉ riêng ở Phú Yên, tình trạng này xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương miền Trung như Gia Lai, Khánh Hòa, Bình Định...
Theo tôi, phải xử lý nghiêm minh các chủ hụi về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, vì họ đã nhận tiền góp của nhiều người, sau đó sử dụng không đúng mục đích, làm mất khả năng thanh toán rồi bỏ trốn. Nếu chủ hụi có hành vi lừa dối ngay từ đầu, phải xử lý về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước mắt, các cơ quan pháp luật phải thụ lý đơn của các chủ nợ và áp dụng biện pháp kê biên tài sản cần thiết để đảm bảo quyền lợi của họ sau này, đồng thời giải thích hướng dẫn để họ có những xử sự đúng đắn, ổn định tình hình ở địa phương. Về lâu dài, cần tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, ngăn ngừa những việc tương tự xảy ra.
Thạc sĩ – luật sư LƯƠNG KHẢI ÂN
(Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)