Đã mấy ngày bữa ăn không có món tươi. Sáng nay bà xã lấy phiếu được UBND phường cấp hăm hở ra chợ. Trước khi đi cô nàng không quên mang khẩu trang, kính chắn giọt bắn và cẩn thận mang theo một chai nước sát khuẩn loại nhỏ. Một lát sau thấy cô nàng về tay không. Hỏi vì sao thì nàng cho biết bởi chợ đông quá, nhiều người chen lấn, thấy mất an toàn nên quay về. Đành mất một suất (một phiếu) chợ, phải chờ đến 3 ngày sau. Cũng may mà trong tủ lạnh còn một ít thịt cá; vườn rau mi ni trong nhà vẫn còn xanh đủ để tằn tiện trong vài ngày nữa.
Mấy hôm trước, trên bản tin của VOV cũng đưa tin và hình ảnh: Sau khi UBND TP Tuy Hòa thông báo thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố có hiệu lực từ 0 giờ ngày 15/7, nhiều người đổ xô đi chợ, siêu thị để mua thực phẩm. Tại các chợ truyền thống, điểm mua bán lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố, lượng người tập trung mua sắm khá đông, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương và Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Mua thực phẩm để dùng trong vài ngày nhằm hạn chế ra đường, góp phần cùng cả nước, cùng tỉnh và thành phố phòng chống dịch COVID-19 là nhu cầu chính đáng. Nhưng việc nhiều người ồ ạt chen nhau mua, thậm chí tranh giành nhau vì sợ không còn khi đến lượt mình trong khi ngành Công thương cam kết không có sự khan hiếm thực phẩm xảy ra, thì sẽ trở thành mối nguy khi tập trung quá đông người, nhất là trong bối cảnh số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang tăng nhanh và một trong những nơi phát sinh lây nhiễm có nguồn gốc từ các chợ.
Việt Nam vốn có truyền thống “nhường cơm, xẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”. Đạo lý này cần được giữ gìn và phát huy, nhất là trong thời gian đại dịch COVID-19 đang bùng phát. Do vậy, cùng với biết nhìn trước nhìn sau, nhường nhịn và chia sẻ cho nhau, mọi người cần phải hiểu đúng về giãn cách xã hội và cũng đừng cố mua thật nhiều thực phẩm dự trữ nhiều ngày mà phải chen lấn, tranh giành nhau trong lúc cả tỉnh, cả nước đang nỗ lực phòng chống dịch COVID-19.
TRẦN LÊ VĂN