Phải xử lý nghiêm minh để răn đe người nuôi chó mà thiếu ý thức cộng đồng, coi thường sức khỏe và tính mạng người khác. Đó là bức xúc của nhiều người khi chứng kiến cảnh một học sinh THPT vừa bị tai nạn do 2 con chó gây ra tại TX Đông Hòa.
Sự việc xảy ra khi học sinh này điều khiển xe máy thì 2 con chó bất ngờ từ trong nhà chạy xổng ra đường, tông vào xe, khiến em này té ngã, bị đa chấn thương nặng, phải cấp cứu và điều trị tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh hơn 1 tuần nay.
Trước đó, cuối tháng 4 vừa rồi, một cháu bé 10 tuổi ở xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân bị tử vong do chó nhà hàng xóm cắn.
Không chỉ 2 trường hợp vừa nêu, tình trạng chó nuôi thả rông đe dọa đến tính mạng của người dân đã xảy ra tràn lan tại nhiều địa phương trong cả nước trong thời gian qua, khiến rất nhiều người bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Liên ở phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa bày tỏ: “Những người nuôi chó hãy nghĩ đến nỗi đau của nạn nhân và người nhà của họ khi bị con chó của mình nuôi gây ra, từ đó có ý thức hơn trong việc nuôi nhốt vật nuôi của mình. Từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm do chó gây ra và những người chết do cho cắn, tôi cực kỳ ghét những người nuôi chó vô ý thức. Nuôi thì cưng như con, tới lúc nó gây ra chuyện thì chủ của nó phủi bỏ hết trách nhiệm”.
Bà Trần Thị Nhị ở phường 1, TP Tuy Hòa cũng bức xúc: “Tôi thường thấy nhiều người dẫn chó đến công viên, thả chạy tự do. Đang vào mùa nắng nóng, nguy cơ bệnh dại ở chó rất cao nên cực kỳ nguy hiểm. Đề nghị cơ quan chức năng có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở nơi công cộng”.
Thực tế cho thấy công tác quản lý chó nuôi ở các địa phương hiện nay vẫn còn lỏng lẻo; công tác thú y ở cơ sở đang rất khó khăn do thiếu lực lượng thú y chuyên ngành. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc quản lý nuôi chó, trong khi nhiều chủ vật nuôi chưa tuân thủ theo quy định. Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế của địa phương, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 15 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 10 tỉnh, thành phố và trên 140.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại.
Việc tiêm phòng dại cho chó đạt tỉ lệ rất thấp, số lượng chó được tiêm phòng chủ yếu theo kế hoạch hàng năm của địa phương, thấp hơn thực tế rất nhiều so với tổng đàn chó thuộc diện tiêm phòng của địa phương.
Nghị định 73/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, nêu rõ: Người nuôi chó có hành vi thả rông chó ở khu dân cư hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không rọ mõm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng. Đối với trường hợp để chó tấn công người khác, người nuôi chó có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Còn nếu để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác thì bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, người nuôi phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.
Trường hợp chăn thả súc vật không đảm bảo các điều kiện an toàn dẫn đến hậu quả gây chết người, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của người khác thì người nuôi có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người; mức hình phạt của tội này lên đến 12 năm tù.
Việc nuôi động vật nói chung và chó nói riêng là quyền của mỗi cá nhân, miễn con vật đó không nằm trong danh sách cấm. Nhưng không thể vì quyền lợi, sở thích của người này mà ảnh hưởng đến tính mạng, không gian sinh hoạt của người khác, do đó tự mỗi người phải có ý thức trong việc nuôi động vật. Việc này vừa không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh vừa góp phần giữ mỹ quan đô thị, nông thôn và tình làng nghĩa xóm.
NGUYỄN VĂN TUÂN
(TX Đông Hòa)