Thứ Bảy, 21/09/2024 12:46 CH
Cần hoàn chỉnh tên đường, hẻm phố
Thứ Tư, 28/10/2020 16:11 CH

Một tuyến đường ở TP Tuy Hòa. Ảnh: PV

Ðến các đô thị hay về các vùng quê nông thôn mới, ta thấy đường có tên và nhà có số. Vấn đề là đặt tên như thế nào để phù hợp với quy luật, tồn tại lâu dài, không phải chỉnh sửa để thuận lợi trong quản lý, sinh hoạt hàng ngày.

 

Thời gian qua, các đô thị tại Phú Yên đều được quy hoạch. Đây là cơ sở để có bản đồ đặt tên đường. Lâu nay trong nội dung của đồ án quy hoạch đô thị hay quy hoạch các khu dân cư không đề cập đến việc đặt tên đường và số nhà, có chăng chỉ là ký hiệu như đường BH1, BH2 và ký hiệu lô đất như C13, D17.

 

Khi thực hiện dự án khu đô thị, chủ đầu tư làm hồ sơ nhà đất theo bản đồ quy hoạch được duyệt, đường và nhà đều mang ký hiệu. Việc đặt tên đường phố do hội đồng tư vấn, trong đó Sở VH-TT-DL chủ trì và thông qua HĐND các cấp. Việc cấp số nhà do ngành Xây dựng thực hiện sau khi có hồ sơ nhà đất. Vì vậy, thiết nghĩ cần bổ sung nội dung đặt tên đường và số nhà ngay từ đồ án quy hoạch chi tiết để làm cơ sở cấp hồ sơ về nhà đất, tránh những bất cập như hiện nay. Trong đời sống đô thị có nhiều sai lầm về tên đường phố, hẻm phố, số nhà. Việc sửa những sai lầm trên rất khó vì liên quan đến hồ sơ nhà đất, hộ tịch hộ khẩu và nhiều loại giấy tờ khác của hàng ngàn gia đình, hàng vạn con người; nếu không được đặt tên đúng, không được chỉnh sửa thì sai lầm này chồng lên sai khác.

 

Các cây cầu trong phố không chỉ giải quyết về giao thông mà còn là không gian mở, là địa chỉ, là nơi đợi chốn chờ ở đô thị nên cần phải có tên cho đúng.

Thông thường, đường phố mang tên các danh nhân, các anh hùng dân tộc, các địa danh của đất nước; khi đặt tên phải dựa vào “ngân hàng tên đường”. Các anh hùng, danh nhân cùng thời đại tập trung ở các con đường gần nhau, tốt nhất là các đường song song với nhau; đường phố lớn đặt tên các vị anh hùng dân tộc lớn và ngược lại.

 

Xu thế hiện nay, tên đường phố tại các đô thị mang các địa danh như đường Hải Dương, đường Bạch Đằng, đường Điện Biên Phủ ở đô thị Tuy Hòa. Đi trên TP Hải Dương, ta bắt gặp nhiều đường phố, công trình được mang tên địa danh tỉnh Phú Yên kết nghĩa. Thời nhà Trần, khi cải cách phân chia địa giới hành chính, các đường phố ở thành Thăng Long được đặt tên dựa trên các mặt hàng buôn bán như phố Hàng Bạc, phố Hàng Chiếu... và những tên phố này được lưu giữ lâu dài, trở thành khu phố cổ.

 

Nhiều người cho rằng, hiện nay, đường Lương Văn Chánh (phía đông chợ Tuy Hòa) nhỏ và ngắn, chưa xứng với công trạng vị Thành Hoàng, nên chăng đặt tên đại lộ Lương Văn Chánh cho đoạn phía nam cầu Hùng Vương đến quốc lộ 29.

 

Về tên cầu, trên đường phố thường có các cây cầu bắc qua kênh, qua sông mang tên đường phố như cầu Lê Lợi, cầu Nguyễn Huệ, đôi khi mang tên địa danh hay sự tích như cầu Vạn Kiếp trên đường Trần Hưng Đạo, cầu Ông Chừ trên đường Côn Sơn. Các cây cầu trong phố không chỉ giải quyết về giao thông mà còn là không gian mở, là địa chỉ, là nơi đợi chốn chờ ở đô thị nên cần phải có tên cho đúng. Cụ thể, trên đại lộ Hùng Vương, đã lâu rồi cây cầu bắc qua kênh rạch Bầu Hạ chưa được đặt tên, nhiều người nhầm lẫn với cầu Hùng Vương bắc qua sông Đà Rằng. Cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Bơ, nhưng lại nằm trên đường Hải Dương. Trên cải lộ tuyến có cầu Đà Rằng mới dễ nhầm lẫn với cầu Đà Rằng, mới được xây dựng trên đại lộ Nguyễn Tất Thành...

 

Hẻm phố tại đô thị Tuy Hòa trước năm 1975 được đặt tên theo thứ tự, trên một tuyến phố qua mỗi phường đều có hẻm số 1, hẻm số 2… Muốn tìm hẻm số 1 đã khó chứ chưa nói đến số nhà; nhà số 7/1 (nhà số 7, hẻm số 1) viết như vậy là sai với quy luật. Nguyên tắc cơ bản, tên hẻm phố được mang tên số nhà liền kề của đường phố chính. Ví như giữa hai số nhà 15 và 17 đường Trần Hưng Đạo có con hẻm thì hẻm được mang số 15 Trần Hưng Đạo; nếu trong hẻm 15 có nhiều con đường nhỏ thì được gọi là ngõ và ngách; số ngõ lấy tên số nhà liền kề trong hẻm theo nguyên tắc trên, muốn tìm số nhà 15/7/5 Trần Hưng Đạo, ta đến hẻm số 15, ngõ số 7 và đến nhà số 5 dễ dàng.

 

Cuối cùng, nhà cửa cũng phải có số. Về nguyên tắc cơ bản, số nhỏ là nơi xuất phát điểm ban đầu, đi từ số nhỏ đến số lớn, nhà ở bên tay phải là số chẵn (số âm) và bên tay trái là số lẻ (số dương). Lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Tuy Hòa từ quần cư xung quanh núi Nhạn. Giai đoạn đầu đô thị phát triển theo hướng tây - đông; hiện nay đô thị phát triển hai bên bờ sông Đà Rằng ra hướng bắc và vào hướng nam. Như vậy bên bờ bắc sông Đà Rằng thì số nhà nhỏ ở phía tây và lớn dần về phía đông (khu dân cư cũ), ngược lại khu đô thị mới, số nhỏ từ phía đông lớn dần về phía tây; theo trục bắc - nam, số nhỏ từ bên trong và lớn dần ra phía bắc. Bên bờ nam thì số nhỏ từ phía tây và lớn dần về phía đông; theo trục bắc - nam thì số nhỏ từ phía bắc và lớn dần về phía nam.

 

Thiết nghĩ có rất nhiều việc phải làm để xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp và từng bước hiện đại. Trong đó cần chú trọng việc đặt tên, chỉnh sửa tên đường phố, hẻm phố và số nhà để phù hợp với quy luật và thuận lợi hơn trong sinh hoạt, quản lý.

 

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek