Bia Chợ Dinh dưới chân núi Nhạn TP Tuy Hòa đang bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều nhà cửa, cây cối che khuất bia, không có lối vào; rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi. Trong khi đây là di tích Chămpa ở Phú Yên có niên đại sớm nhất (thế kỷ thứ IV thời vua Bhadraman - Phạm Hồ Đạt) được biết đến nay. Bia được khắc trực tiếp vào một mỏm đá ở phía nam núi Nhạn, sát sông Chùa, cao 5m, rộng 4m, bằng chữ Sankrit dạng tự vuông, gồm 3 dòng, mỗi dòng cách nhau khoảng 9cm: hai dòng trên dài 1,9m, dòng dưới dài bằng nửa hai dòng trên, chữ cao khoảng 6,5cm. Nội dung văn bia được L.Fnot công bố như sau: “Kính lạy Thượng đế! Nhờ ân sủng dưới chân của Đức Ngài Bhadesvara, tôi xin làm vui lòng Ngài với Agnhi. Lâu bền như mặt trời, mặt trăng, Ngài sẽ cứu các con cháu của Đại Vương Đạo Pháp (Mahajara Dharma). Nhờ ân sủng của đất lễ hiến tế thành công”. Văn bia phản ánh việc thờ thần Bahadesvaravamin - một dạng thể hiện của thần Siva.
Dưới triều vua này hiện còn có 3 tấm bia khác ở Quảng Nam, đó là bia Hòn Cục, bia Chiêm Sơn và bia Mỹ Sơn 1. Những bi ký này hợp thành nhóm bi ký thuộc giai đoạn sớm. Lãnh thổ vương quốc Chămpa bao gồm hai tiểu vùng: tiểu quốc phía bắc là bộ tộc Dừa chủ yếu từ Quảng Nam đến Bình Định, tiểu quốc phía nam với bộ tộc Cau thành lập trên cơ sở khu vực địa lý - văn hóa từ Phú Yên, Khánh Hòa vào đến Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, nội dung những bi ký thời Bhadravarman cho phép đoán định rằng đến thế kỷ IV ít nhất lãnh thổ Chămpa đã bao gồm một phần tiểu quốc phía nam đến Phú Yên, hoặc có nhiều khả năng quốc vương Bhadravarman đã cai trị một vương quốc rộng lớn gồm cả hai tiểu quốc bắc và nam mà ranh giới là dãy núi Đại Lãnh - phía nam Phú Yên ngày nay. Những bia Võ Cạnh tìm thấy ở làng Võ Cạnh (Diên Khánh - Nha Trang) có niên đại thế kỷ III-IV, khắc bằng Phạn ngữ nói đến việc dựng một ngôi đền của một vị vua là hậu duệ của SriMara. SriMara và vị vua hậu duệ đó hẳn có liên hệ đến một tiểu quốc là chư hầu của Phù Nam. Bia Võ Cạnh là một chứng tích quan trọng phù hợp với điều ghi trong Tấn thư: “Phía Nam Lâm Ấp giáp biên giới với Phù Nam”. Bia Võ Cạnh có nội dung về Phật giáo.
Nội dung bia Chợ Dinh là lời thỉnh cầu của nhà vua đến thần Siva và thể hiện sự kết hợp vua - thần (Vương quyền và Thần quyền). Tuy nhiên, nhiều di vật ở Phú Yên (cũng như những di vật cùng loại tìm thấy ở Quảng Nam, Quảng Ngãi) lại phản ánh thời kỳ Phật giáo phát triển cực thịnh dưới triều vua Indravarman 2 với Trung tâm phật điện Đồng Dương. Một trong những loại di vật đó là các tác phẩm bằng đất nung, gồm đầu tượng Phật, phù điêu tượng Phật hình chữ U, chữ nhật, lá đề (lá nhĩ) niên đại khoảng thế kỷ VII-IX, góp phần phản ánh thời kỳ Phật giáo Đại thừa hoạt động mạnh mẽ ở Chămpa nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Bia Chợ Dinh có giá trị đặc biệt về lịch sử văn hóa điêu khắc, ngôn ngữ… như một báu vật quốc gia, là minh chứng về chiều sâu văn hóa của vùng đất Phú Yên. Vì vậy, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có phương án bảo vệ, giữ gìn chu đáo.
VĂN XƯƠNG
(phường 9, TP Tuy Hòa)