Thời gian gần đây, rất nhiều du khách đến với Phú Yên - xứ sở “hoa vàng cỏ xanh” và một trong những địa chỉ đặc biệt thu hút họ là thắng cảnh cấp quốc gia Gành Đá Dĩa (Đá Đĩa) ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An.
Đây là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho đất và người Phú Yên để ai đến xứ sở này cũng đều ước mong một lần ghé thăm và chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, hầu như vị khách nào khi đến với thắng cảnh độc đáo có một không hai này cũng đều thắc mắc về tên gọi của nó. Đó là ghềnh hay gành? Đá Đĩa hay Đá Dĩa? Người dân địa phương thường gọi là gành Đá Dĩa vì nhìn từ xa, những cột đá trông giống như những chồng dĩa lớn được xếp chồng lên nhau. Trong khí đó, trên tấm biển tên của thắng cảnh này lại ghi là Gành Đá Đĩa?
Vậy cách gọi nào là đúng, chính xác? Thử lên Google và gõ “Ghềnh Đá Đĩa” thì kết quả hiện lên với đủ các cách gọi. Lại tra vào từ điển thì thấy: Dĩa, nĩa, hay xiên là một dụng cụ ăn uống nhưng cũng có thể là một vũ khí khi ở kích thước lớn (còn gọi là đinh ba). Dĩa thường được làm bằng thép không gỉ, bạc, plastic hoặc gỗ. Cùng với dao và muỗng (thìa), dĩa là một phần không thể thiếu trên bàn ăn quốc tế. Theo cách “định nghĩa” này, dĩa có nguồn gốc từ phương Tây, được sử dụng rộng rãi từ thời Trung Cổ. Dĩa du nhập vào Việt Nam theo chân người Pháp (nên cũng có khi được gọi là phuộc sét - fourchette). Dĩa chỉ được sử dụng khi ăn những món ăn phương Tây hoặc những món đặc biệt như cơm tấm. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng từ dĩa là do người miền Bắc đọc trại hoặc phát âm không chuẩn bởi từ nĩa. Còn dĩa hay đĩa trong gành/ghềnh Đá Đĩa/ Đá Dĩa là chỉ một dụng cụ dùng để đựng thức ăn, tương tự như bát - đĩa/chén - dĩa.
Còn sự khác biệt giữa ghềnh/gành. Theo từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê thì ghềnh (danh từ) là chỗ lòng sông bị thu hẹp và nông, có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm dòng nước dồn lại và chảy xiết. Ví dụ: Lên thác xuống ghềnh. Cũng có một cách giải thích ngắn gọn hơn của trang tratu.soha.vn: ghềnh là nhiều khối đá hình lục giác nằm sát nhau như những chồng đĩa lớn, độc đáo. Còn gành thì cả hai từ điển trên đều ghi đó là phương ngữ của ghềnh. Điều này có nghĩa, ghềnh là từ toàn dân (tiếng phổ thông), còn gành là từ địa phương (phương ngữ), cụ thể là phương ngữ Nam Bộ. Cụ thể, gành được sử dụng thay cho ghềnh không chỉ trong cách nói mà cả trong tên địa danh, như Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) - một địa danh nổi tiếng mà gần đây thời sự VTV hay nhắc đến, gắn với nạn triều cường. Còn ở Nam Trung Bộ, gành và ghềnh hay dùng lẫn lộn. Ví dụ: Ghềnh Ráng (Quy Nhơn, Bình Định), Gành Đỏ (Sông Cầu, Phú Yên)…
Trở lại với sự khác biệt giữa đĩa/dĩa. Từ điển Hoàng Phê giải thích đĩa (danh từ): Đồ dùng thường hình tròn, miệng rộng, lòng nông để đựng thức ăn. Tương tự với ghềnh, đĩa cũng là từ toàn dân (phổ thông). Còn dĩa là phương ngữ của từ đĩa, cụ thể là phương ngữ miền Trung.
Từ những cách giải thích trên cho thấy, cùng một địa danh nhưng lại có nhiều cách gọi và các cách đều là sự cộng gộp của các từ với phạm vi sử dụng khác nhau. Theo đó, trong trường hợp thắng cảnh quốc gia đặc biệt nổi tiếng ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An của Phú Yên có 4 cách gọi: 1. Ghềnh Đá Đĩa; 2. Ghềnh Đá Dĩa; 3. Gành Đá Đĩa; 4. Gành Đá Dĩa.
Trong 4 cách gọi trên, gọi theo cách thứ nhất (theo từ điển) hoàn toàn là từ phổ thông (ghềnh/đĩa); cách thứ hai vừa phổ thông (ghềnh) vừa theo phương ngữ (dĩa); cách thứ ba vừa theo phương ngữ (gành) vừa theo phổ thông (đĩa); cách thứ tư hoàn toàn theo phương ngữ (gành/dĩa). Còn trên thực tế chỉ có hai cách gọi: 1. Gành Đá Đĩa; 2. Gành Đá Dĩa. Vậy nếu cho rằng cách gọi Gành Đá Đĩa là chính xác nhất thì cũng không đúng vì vừa dùng từ phổ thông vừa dùng phương ngữ. Trong khi đó, trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta không chỉ có ghềnh/gành hay đĩa/dĩa mà có rất nhiều từ cùng nghĩa nhưng khác âm, khác tự, theo cách gọi của mỗi miền (Bắc hay Nam). Cụ thể như: lợn/heo, lạc/đậu phộng, vừng/mè… Hay nếu cho rằng (cây hay tiếng) đàn mới là phổ thông, còn đờn là phương ngữ, thì tại sao di sản phi vật thể của nhân loại không là đàn ca tài tử mà là đờn ca tài tử?
Theo người viết bài này, cũng giống như đờn ca tài tử hay địa danh Gành Hào của tỉnh Bạc Liêu, Gành Đá Dĩa là tên gọi đã có từ ngàn đời nay của người dân bản địa theo phương ngữ miền Nam, gần hơn là Nam Trung Bộ, mang đặc trưng vùng miền. Vì vậy, cách gọi này phải được tôn trọng và công nhận như tiếng phổ thông. Trên mặt báo hoặc trong các văn bản nếu viết Gành Đá Dĩa thì nên mở ngoặc đơn (hay Đá Đĩa) và ngược lại. Có như vậy mới giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt (như Bác Hồ đã từng dạy) và cho thấy sự phong phú, đa dạng của tiếng mẹ đẻ của dân tộc Việt Nam.
LƯƠNG PHÚ
(phường 7, TP Tuy Hòa)