Ngày 24/9 vừa rồi, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã ra quyết định tạm giữ hình sự ông Đinh Ngọc Thạch (SN 1964, quê tỉnh Hà Nam, tạm trú phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Vào chiều 23/9, ông Thạch điều khiển xe xích lô chở tôn sắt dùng để lợp mái nhà, dừng xe trước cửa số nhà 64 phố Tân Mai cùng phường. Tấm tôn này có chiều dài và rộng vượt hẳn ra ngoài thùng xe. Sau đó, cháu T.M.H (9 tuổi, cùng trú quận Hoàng Mai) đi xe đạp đâm vào chiếc xích lô của ông Thạch và bị tôn sắt trên xe cứa vào cổ. Dù được người dân nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng cháu H đã không qua khỏi do vết thương quá nặng.
Vụ tai nạn khiến nhiều người đau buồn, thương xót. Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng thì khoảng 16 giờ chiều 25/9, một phụ nữ lớn tuổi quê ở Hòa Bình đã tử vong sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Quân đội 103 do bị tấm tôn cứa vào cổ. Tin từ Bệnh viện Quân đội 103 cho biết nạn nhân nhập viện trong tình trạng có một vết thương dài 20cm ở vùng mặt trước của cổ, làm đứt khí quản và mạch máu lớn vùng cổ, ở mặt có vết thương dài 5cm. Theo nguồn tin liên quan đến vụ việc, khi nạn nhân đang ngồi bên đường để chờ xe thì có một xe bò chở tôn đi qua. Mảnh tôn sắc trên xe này đã va vào nạn nhân và gây ra vết thương chí mạng dẫn đến hậu quả kinh hoàng như vậy.
Như thế, chỉ trong vòng 3 ngày đã có 2 ca tử vong vì bị tôn cứa vào cổ trên đường phố! Nguyên nhân xảy ra hai vụ việc thương tâm trên chủ yếu vẫn là do lỗ hổng trong thi hành pháp luật mà ra. Sở dĩ nói vậy là vì theo Nghị quyết 32, kể từ ngày 1/1/2010, trên toàn quốc đã cấm lưu hành loại xe 3-4 bánh thô sơ mà chiếc xích lô của ông Đinh Ngọc Thạch gây ra cái chết tức tưởi cho cháu H nằm trong loại xe bị cấm này. Rõ ràng ở đây, nói gì thì nói, việc để cho chiếc xe trên được lưu thông trên đường lại chở hàng hóa cồng kềnh gây ra cái chết cho cháu bé có trách nhiệm của nhiều người thuộc các cơ quan liên quan. Nếu lực lượng chức năng của quận Hoàng Mai và TP Hà Nội kiên quyết thi hành công vụ theo đúng quy định pháp luật thì chắc chắn chiếc xe tử thần của ông Thạch (và cả chiếc xe bò đã gây ra cái chết “từ trên trời rơi xuống” cho người phụ nữ nói trên) không có cơ hội ngông nghênh trên đường phố thủ đô để gây ra mất mát, đau thương cho xã hội. Ở đây, pháp luật đã không được thi hành quyết liệt, triệt để dù văn bản, hiệu lực đã được quy định rành rành. Vì thế, những hệ lụy buồn đến mức báo động đã xảy ra.
Từ chuyện ở thủ đô Hà Nội, nhìn về Phú Yên, có thể thấy rằng lâu nay, trên đường phố Tuy Hòa và trung tâm các huyện, thị xã trong tỉnh, tình trạng xe máy, xe 4 bánh chở vật liệu cồng kềnh, nguy hiểm ngang nhiên chạy trên đường không phải là hiếm hoi, khó gặp. Tuy chưa xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng như ở thủ đô Hà Nội nhưng rõ ràng, tình trạng này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người đi đường, tiềm ẩn nhiều tai nạn giao thông mà khi xảy ra, hậu quả chắc chắn là thảm khốc. Vì thế, đã đến lúc, pháp luật trong lĩnh vực giao thông cần được thực thi nghiêm minh, quyết liệt để bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng cho người dân. Vì thế, đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc việc cấm các loại xe mà pháp luật đã cấm lưu thông trên đường để không còn những nỗi đau không đáng có mà các gia đình không may và xã hội phải gánh chịu!
Thực thi pháp luật nghiêm minh cũng là góp phần xây dựng xã hội văn minh, dân chủ, công bằng để góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh vậy!
NGUYỄN VĂN THIỆN
(phường 7, TP Tuy Hòa)