Chiều chủ nhật vừa rồi, tôi đưa anh bạn mới từ Hà Nội lần đầu vào Phú Yên xuống biển Tuy Hòa chơi. Trời nóng nên khi ngồi trên bãi cát, anh khoan khoái đón từng làn gió mát rượi. Anh nói: Công nhận quê ông có bãi biển hay thật. Nhưng giá như đừng có những cảnh tượng như thế này thì hay hơn biết bao…
Thì ra theo hướng tay anh chỉ, phía bên phải chúng tôi ngồi là một nhóm bạn trẻ đang lấy thức ăn trong các bịch ni lông ra đặt trên tờ báo trải xuống cát để triển khai bữa nhậu. Hai chai rượu và bốn cái ly nhỏ được bày ra, cuộc vui bắt đầu với tiếng “dô dô” ầm ĩ mỗi lần cả nhóm nâng ly mời nhau. Trong thời gian ngắn, hai chai rượu cạn sạch, cả bọn rủ nhau đi nơi khác, để lại “bãi chiến trường” là mấy bì ni lông, tờ báo làm mâm nhàu nát, mồi thừa, nước chấm loang lổ và hai cái chai không nằm trơ trọi trên cát! Anh bạn lắc đầu ngán ngẩm: Không hiểu sao ở quê ông còn cho dân tình mang đồ ăn xuống biển tổ chức lai rai rồi sau đó chẳng ai thèm dọn dẹp để giữ gìn môi trường cho sạch. Hôm trước, tôi vào thăm em trai ở Vũng Tàu, ra biển thấy các đội trật tự dẹp mấy vụ này dữ lắm. Ở khu vực này, đâu đâu cũng có biển báo nghiêm cấm chuyện nấu nướng, nhậu nhẹt trên biển, ai vi phạm thì bị nhắc nhở, xử lý ngay.
Lâu nay, việc ăn uống, bù khú của nhiều người tự phát diễn ra trên bãi biển Tuy Hòa là chuyện thường ngày dễ thấy. Vào mùa hè, nhất là những ngày thời tiết oi ả, nóng bức, nhiều nhóm người, nhiều gia đình hay rủ nhau mang đồ ăn, bia, nước ngọt xuống biển ăn uống, thù tạc. Điều đáng nói là sau khi ăn nhậu xong, nhiều người, nhiều gia đình không chú ý thu dọn, “xử lý hậu quả” mà cứ tùy tiện bỏ lại những thứ thừa trên bãi cát, nhìn mất thẩm mỹ cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường. Lại có kẻ, thay vì giữ nguyên hiện trạng để sau đó công nhân vệ sinh đến dọn dẹp, lại đào bới các hố nhỏ và vội vàng bỏ rác xuống đó, lấp đất qua loa, nhìn rất phản cảm!
Có lẽ đã đến lúc, các cơ quan có trách nhiệm của TP Tuy Hòa nên xem xét, nghiên cứu, khuyến cáo và tiến tới cấm hẳn tình trạng ăn uống xô bồ, không đảm bảo vệ sinh môi trường thường xảy ra từ trước tới nay trên bãi biển Tuy Hòa. Để chấm dứt tình trạng này, có thể bắt đầu từ công tác tuyên truyền, giải thích bằng việc đặt các biển cấm ở những nơi thích hợp. Biện pháp xử lý có thể bắt đầu từ cảnh báo, nhắc nhở lần đầu và nếu cần, có quy định mức xử phạt cụ thể những trường hợp cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, các điểm bán đồ ăn, thức uống giải khát đã tồn tại lâu nay cần được quy hoạch, gom lại một khu riêng biệt, tiến tới vận động, không nên hành nghề ngay trên bãi biển. Thời gian qua, nhiều nước trên thế giới đã cấm tiệt việc kinh doanh, tổ chức ẩm thực ngay trên bãi biển để gìn giữ không khí trong lành, sinh hoạt an yên cho du khách và người dân địa phương đến thư giãn tinh thần. Vì thế, nên chăng, TP Tuy Hòa cần xem xét và triển khai, áp dụng từng bước cho phù hợp. Làm được như vậy là thiết thực góp phần xây dựng Tuy Hòa trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh trong thời kỳ đất nước hội nhập.
TRẦN VĂN TUẤN
(phường 5, TP Tuy Hòa)