Thứ Sáu, 03/01/2025 00:03 SA
Không nên lạm dụng lòng tốt của cộng đồng
Thứ Hai, 03/08/2015 08:24 SA

Sáng tinh mơ, tôi vừa thức giấc, mở cửa nhà đã nghe tiếng gọi ơi ới ngoài ngõ. Bà K xóm trên đứng chờ sẵn tự lúc nào, bảo muốn gặp tôi có việc. Việc gì mà sớm dữ? Có việc gì bác nói nhanh được không? Cháu mới dậy, chưa rửa mặt, vệ sinh cá nhân... Không, chuyện dài lắm, cháu mở cửa dùm... Cực chẳng đã, tôi phải mở cổng.

 

Vào nhà, bà K ề à, vòng vo dây cà dây muống một hồi mới bộc lộ ý định nhờ tôi viết bài gửi báo… xin tiền cho đứa con út bị thiểu năng không thể tự lao động để nuôi thân! Bác khổ quá; nó bị vậy mà anh em, chính quyền không ai quan tâm. Bác thì già cả, đâu làm gì ra tiền. Nhờ cháu…. Thật tình, gia cảnh bà K tôi chẳng lạ; anh H, con trai út bà đúng có khuyết tật, nhưng các con còn lại của bà đều giàu có, ăn nên làm ra. Mặt khác, tôi cũng đã từng liên hệ với cơ quan chức năng và biết hàng tháng H vẫn được nhận đầy đủ suất trợ cấp (vào loại mức cao nhất) dành cho người khuyết tật. Còn bà K, khổ nghèo đâu không biết nhưng buổi sáng tôi vẫn gặp bà bắt chéo chân ngồi quán cà phê; có khi còn tụ tập đánh bài…

 

Giải thích rằng con trai bà cho dù có khuyết tật nhưng đã được cộng đồng quan tâm tương đối đúng mức, gia cảnh lại tốt hơn nhiều người cùng cảnh ngộ, không có lý do gì để “lên báo”. Vậy nhưng bà vẫn cứ lòng vòng không chịu nghe. Bực mình, tôi sẵng giọng: Bác nói khổ cái nỗi gì mà cháu thấy sáng sáng bác còn đi uống cà phê, lại còn… đánh bài? Bà K hớt hải thanh minh: đâu nà, bác đánh nhỏ cho vui. Còn chuyện uống cà phê là tại bác không đủ tiền ăn nên uống cà phê rẻ để… trừ cơm sáng (?!)

 

Cùng khu phố với tôi có ông B được mệnh danh là “Bang chủ Cái bang”. Nhà ông thuộc diện hộ nghèo và ngày càng nghèo hơn bởi suốt tháng quanh năm ông không lo làm ăn gì để thoát nghèo ngoài việc ngồi trông chờ các chế độ, chính sách xóa đói giảm nghèo từ phía chính quyền. Chờ không nổi, túng quá thì đi xin người thân, bà con lối xóm. Nói đáng tội, ông đi xin người ta thấy đói quá không nỡ ngoảnh mặt nên cũng cho, nhưng bực dọc với cái thói lười biếng, ỷ lại của ông nên vừa cho vừa… chửi! Chính quyền cũng lắc đầu, bó tay với cái cung cách “lầy lụa”, ngày ngày cứ vác đơn đi gõ cửa các cơ quan công quyền mà xin hỗ trợ, cứu tế. Vẫn phải hỗ trợ, bởi xét diện xóa đói giảm nghèo (theo luật định) thì ông luôn nằm trong đối tượng 1. Cho thì cho, nhưng ai cũng thừa biết có cho bao nhiêu, cái đói nghèo của ông vẫn không bao giờ có cơ may “xóa” hoặc “giảm”! Mới đây, nhờ chính sách xóa nhà tạm, ông được hỗ trợ xây căn nhà gạch. Nhỏ thôi, nhưng kiên cố, khang trang hơn nhiều so với căn chòi nát cũ. Tưởng sự ưu ái đó của cộng đồng sẽ khiến ông suy nghĩ, hành xử tích cực hơn, ai dè đâu vẫn hoàn đấy. Ông còn bảo, nhờ tui… gia cảnh nghèo mạt mới được diện hỗ trợ xây nhà, chớ khá hơn chút là tiêu rồi (?!)

 

Xã hội còn nhiều cảnh đời bất hạnh, thương tâm cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Nhưng, bên cạnh những hoàn cảnh đáng được xã hội cưu mang, vẫn tồn tại một bộ phận giả danh, hoặc lạm dụng hoàn cảnh để “đục khoét” lòng trắc ẩn của cộng đồng. Nên chăng, xã hội, chính quyền cần có biện pháp giáo dục ý thức cho các đối tượng này (và cả những chế tài về mặt chính sách nếu thấy cần thiết). Mặt khác, lòng tốt cũng cần phải đi đôi với sự tỉnh táo, cương quyết, không nên để cho các đối tượng kiểu này lợi dụng mưu lợi không chính đáng, vì cái lợi sẽ khiến họ càng chây lười, ỷ lại, càng không muốn nỗ lực tự thân để vượt lên.

 

VĂN NGUYỄN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek