Triển khai xây dựng nông thôn mới đang là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cần sự chung tay, chung sức, chung lòng của toàn xã hội. Trong thực tế, hiện nay không ít địa phương đang gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực của cộng đồng để xây dựng những công trình đạt theo các tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, để huy động được sự đóng góp của người dân, theo tôi, các địa phương nên linh hoạt, nhạy bén để phát huy tối đa nguồn lực của xã hội.
Chẳng hạn như để đầu tư một số công trình phúc lợi có khả năng khai thác dịch vụ, như khu vui chơi giải trí trẻ em, sân thể thao, chợ… nên chăng các địa phương tổ chức lấy ý kiến nhân dân và xin chủ trương cấp trên để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư công trình này theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao). Cách làm này có khả năng thu hút được các nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vừa giảm gánh nặng đóng góp của người dân và kinh phí của Nhà nước.
Để làm tốt công tác kêu gọi đầu tư, cũng như huy động nguồn lực, kinh phí đóng góp của các tầng lớp nhân dân theo chủ trương chung, lãnh đạo các địa phương nên tổ chức các cuộc gặp gỡ những người thành đạt, doanh nhân là người địa phương đang sinh sống trên mọi miền đất nước, chủ các doanh nghiệp đang đứng chân trên địa bàn để vận động, kêu gọi họ cùng tham gia hiến kế, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, kiến thiết quê hương. Đây cũng là dịp để địa phương phổ biến, công khai cơ chế, chính sách ưu đãi và thủ tục đầu tư của địa phương, giúp các thành phần kinh tế nắm bắt cơ hội đầu tư. Tôi nghĩ, nếu các địa phương quan tâm làm tốt công tác này sẽ thu hút được sự đóng góp của nhiều mạnh thường quân, nhà tài trợ và nhà đầu tư thiện chí cho công cuộc xây dựng quê hương.
THANH LÊ
(xã Hòa Bình 1, Tây Hòa)