Báo Phú Yên vừa nhận đơn khiếu nại của5 hộ dân, gồm các ông Cao Văn Thọ, Võ Minh, Võ Ngọc Anh, Nguyễn Văn Hòa và bà Trần Thị Phạn (ở thôn Phước Lộc 2, xã Hòa Thành, Đông Hòa). Đơn nêu rõ: Trong thời gian qua, ông Lê Văn Hùng ở thôn Phước Lộc 2, xã Hòa Thành làm tổ trưởng tổ vay vốn, xét cho dân vay, đã lợi dụng chức vụ và tín nhiệm của người dân để vay mượn tiền dưới các hình thức. Cụ thể, ông Hùng đã nhờ một số người dân trong thôn đứng ra vay tiền giùm và kê khai thêm số tiền vay của các hộ dân lấy tiền làm vốn kinh doanh buôn bán. Khi ngân hàng gửi giấy đòi nợ, ông Hùng không chịu trả tiền lãi, gốc, chúng tôi phải vay mượn tiền để trả nợ. Chúng tôi nhờ các cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết theo pháp luật”.
Bà Ngô Thị Dục (vợ ông Võ Minh ngồi giữa), bà Trần Thị Phạn ngồi bên phải cùng với vợ ông Cao Văn Thọ kể lại chuyện đã đưa sổ đỏ cho ông Lê Văn Hùng đi vay vốn ngân hàng- Ảnh: K.NGUYÊN
Từ lá đơn này, phóng viên Báo Phú Yên tìm đến nhà ông Cao Văn Thọ ở vùng 5, thôn Phước Lộc 2 (xã Hòa Thành). Ông Thọ cho biết: “Năm 2007, vợ tôi bị bệnh nặng phải chữa trị ở TP Hồ Chí Minh. Gia đình rất khó khăn, để có tiền chữa bệnh cho vợ, tôi đến Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Nam TP Tuy Hòa để vay 5 triệu đồng nhưng cán bộ tín dụng đều từ chối cho vay, vì sợ tôi không có khả năng trả nợ. Tôi phải nhờ ông Lê Văn Hùng - Tổ trưởng tổ 36 ở thôn Phước Lộc 2 của Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Nam TP Tuy Hòa xét cho vay vốn. Ông Hùng đồng ý với điều kiện khi tôi làm thủ tục phải vay 10 triệu đồng, sau đó cho ông mượn 4 triệu đồng. Năm 2010, sau khi trả hết nợ, tôi tiếp tục xin vay vốn, ông Hùng đã làm thủ tục cho tôi vay 30 triệu, trong đó ông mượn 8 triệu đồng. Ban đầu, ông Hùng gửi trả tiền lãi đầy đủ, nhưng hơn 1 năm nay tiền lãi và gốc tôi phải trả thay cho ông”.
Không chỉ ông Thọ, ông Võ Minh cũng bị ông Hùng vay ké. Bà Ngô Thị Dục (vợ ông Võ Minh) cho biết: “Năm 2006, tôi đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh. Ở nhà chồng tôi (ông Minh) lấy sổ đỏ đất nông nghiệp của gia đình đưa ông Hùng đi thế chấp ngân hàng để vay 30 triệu đồng. Đến nay, tôi không biết ông Hùng đã trả hết nợ chưa, nhưng sổ đỏ thì không thấy trả lại. Bây giờ, ông Hùng đã chuyển nhà đi nơi khác sinh sống, tôi biết đâu mà tìm”.
Còn bà Nguyễn Thị Chúc (vợ ông Nguyễn Văn Hòa) cũng ở thôn Phước Lộc 2 rưng rưng nước mắt: “Năm 2009, để có vốn chăn nuôi gia súc, ông Hùng đã nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và làm thủ tục cho tôi vay ngân hàng 30 triệu đồng, sau đó ông Hùng mượn 21 triệu. Hơn 2 năm nay, ông Hùng không chịu trả tiền lãi và gốc phần ông đã mượn. Mới đây, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Nam TP Tuy Hòa đòi nợ, vợ chồng tôi phải bán con bò và mượn thêm tiền của người thân để trả nợ lãi các năm 2011, 2012 và nợ gốc 15 triệu đồng”.
Theo phảnánh của người dân thôn Phước Lộc 2, ông Lê Văn Hùng đã làm thủ tục kê khai vay vốn và nhờ nhiều người dân ở thôn Phước Lộc đứng tên vay tại Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Nam TP Tuy Hòa, nhưng lâu nay bà con trong thôn cả nể nên im lặng. Đến khi ngân hàng gửi giấy báo đòi nợ, họ mới gọi điện cho ông Hùng thì không liên lạc được, trong đó có người vay giùm ông Hùng hơn 20 triệu đồng. Do sợ ngân hàng kê biên tịch thu tài sản nên một số hộ phải tự lấy tiền của gia đình hoặc đi vay mượn bên ngoài để trả nợ thay cho ông Hùng. Khi tìm đến nhàông LêVăn Hùng, người dânởđây cho biếtông đã bán nhàvàcảgia đình chuyển lên Đắk Lắk sinh sống.
Trao đổi với Báo Phú Yên, ông Lê Văn Hùng thừa nhận, hiện ông đang nợ những người ký đơn khiếu nại khoảng 70 triệu đồng. “Tôi có kinh doanh nghề mộc dân dụng, nhưng hàng tiêu thụ chậm nên tôi không xoay sở vốn kịp để trả lãi cho ngân hàng. Tôi có đến các hộ dân này vay một số tiền để về trang trải việc kinh doanh, nhưng cũng không hiệu quả. Tiền vay, tiền lãi quá cao, tôi trả không nổi đành phải bán nhà và tài sản có giá trị để trả nợ nhưng không đủ. Vợ chồng tôi cũng đã gặp một số hộ dân để năn nỉ và hứa cố gắng đi làm thuê để có tiền trả nợ và họ đã đồng ý, nhưng không hiểu sao bây giờ lại viết đơn khiếu nại”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Trãi, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Thành cho biết, do ông Hùng không còn tài sản gì ở địa phương nên việc hòa giải giữa ông và các hộ dân cho mượn vốn rất khó khăn. Còn ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng Công an xã Hòa Thành cho biết: “Theo sự chỉ đạo của Công an huyện Đông Hòa, công an xã đã mời số hộ dân mà ông Hùng đã mượn tiền để hướng dẫn họ làm thủ tục khởi kiện ra tòa”.
Theo ông Võ Ngọc Tá, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNN chi nhánh Nam TP Tuy Hòa, năm 2001, ông Lê Văn Hùng được tín nhiệm làm tổ trưởng tổ 36 cho vay vốn ở thôn Phước Lộc 2 đến năm 2011. Tháng 12/2011, theo đề nghị của Hội Nông dân tỉnh và Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Phú Yên, chúng tôi đã thay đổi tổ trưởng tổ vay vốn nhằm tránh trường hợp xâm tiêu và không có hiệu quả. Năm 2011, ông Lê Văn Thiều thay ông Hùng làm tổ trưởng tổ vay vốn tổ 36 và đã phát hiện ông Hùng xâm tiêu vốn vay của các tổ viên. Đoàn kiểm tra ngân hàng đã đi kiểm tra các hộ này nhưng họ đều từ chối. Tôi có đi kiểm tra trực tiếp một vài hộ thì họ chỉ nói dùng vốn vay vào chăn nuôi bò. Trước đây, ông Hùng có vay tiền tại ngân hàng 100 triệu đồng, không có khả năng trả nợ và chúng tôi đưa ra tòa và bán nhà để trả nợ mà không thấy ai đến tranh chấp. Theo đơn khiếu nại của các hộ dân, chúng tôi kiểm tra lại hồ sơ vay vốn tại ngân hàng của các hộ: Cao Văn Thọ, Trần Thị Phạn, Võ Minh và Nguyễn Văn Hòa trên cơ sở đơn xin vay đều cho vay vốn qua tổ theo Nghị định 41 của Chính phủ, phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Trên cơ sở các thủ tục vay vốn của các hộ đều có bản điều tra chi tiết từng hộ thông qua tổ trưởng xác nhận và Hội Nông dân kiểm soát và có xác thực của UBND xã Hòa Thành. Hộ ông Thọ có quan hệ với ngân hàng từ năm 2002, nhưng quan hệ mới xác lập là ngày 24/3/2011 do ông Lê Hoàng làm tổ trưởng và cán bộ tín dụng là ông Phan Văn Thiều. Còn bà Trần Thị Phạn vay 12 triệu đồng từ ngày 15/4/2010, tổ trưởng cho vay là ông Lê Hoàng, cán bộ tín dụng là ông Phan Văn Thiều. Trường hợp bà Phạn được ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất.
KHÔI NGUYÊN