Bà lê Thị Bích Khang, trú ở huyện Sông Cầu hỏi: Tôi có người bạn vì lý do làm ăn có nhờ tôi đứng tên sở hữu dùm một chiếc xe ôtô tải, nhưng xe này vẫn do chị ta trực tiếp quản lý, sử dụng. Hiện tại tôi rất lo lắng, vì có nghe thông tin trên báo, đài tuyên truyền pháp luật quy định về trách nhiệm của chủ xe cơ giới, nếu xe nêu trên do tôi đứng tên sở hữu không may gây tai nạn thì trách nhiệm của cá nhân tôi như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự, phương tiện giao thông vận tải cơ giới là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không theo đúng quy định của pháp luật mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.
Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, đối với trường hợp bà hỏi, thì bà là chủ sở hữu chiếc ôtô tải nói trên, nếu xe ôtô này gây thiệt hại cho người khác thì bà phải có trách nhiệm bồi thường, nếu bà không có đủ cơ sở chứng minh việc bà đã giao xe ôtô này cho bạn của bà chiếm hữu, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Do đó, nếu có thiệt hại xảy ra và chủ sở hữu là người có trách nhiệm phải bồi thường, mà bà không tự nguyện bồi thường thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành cưỡng chế, kê biên toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của bà tương ứng với số tiền phải bồi thường, để đảm bảo việc bồi thường cho người bị thiệt hại.
Luật sư NGÔ MINH TÙNG