Ông Nguyễn Văn Tấn, trú tại huyện Đông Hòa hỏi: Vào năm 1997, cha mẹ tôi đã lần lượt qua đời, có để lại 1 ngôi nhà cấp 4 gắn liền với phần đất có diện tích khoảng 300m2 tọa lạc tại huyện Đông Hòa, nhưng không để lại di chúc. Do đó, các anh chị của tôi đã viết giấy thỏa thuận cho tôi được ở, trông coi nhà cửa và hương khói cha mẹ, mà không được quyền sở hữu, mua bán hoặc thay đổi nghiệp chủ. Hiện nay, căn nhà nói trên đã bị hư hỏng, nên tôi muốn tu sửa và làm thêm nhà ở thì anh chị của tôi không đồng ý và yêu cầu chia thừa kế. Vậy xin hỏi: Nếu tôi tiến hành tu sửa và xây dựng nhà ở, anh chị tôi đứng ra tranh chấp có đúng hay không? Tôi phải nhờ cơ quan nào có thẩm quyền để giải quyết?
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật, sau khi qua đời, cha mẹ của ông không để lại di chúc, thì khối tài sản của cha mẹ ông sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất gồm: ông, các anh chị em và ông bà nội ngoại của ông (nếu họ còn sống sau khi cha mẹ ông qua đời).
Trường hợp trước đây, anh chị của ông đã viết giấy thỏa thuận cho ông được ở, trông coi nhà cửa và hương khói cha mẹ, nhưng không có quyền sở hữu, mua bán hoặc thay đổi nghiệp chủ. Như vậy, ông chỉ có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà anh chị của ông đã ghi trong giấy thỏa thuận, có nghĩa là chỉ được ở và trông coi mà thôi.
Vì vậy, theo quy định của pháp luật, toàn bộ khối tài sản nêu trên vẫn được xem là tài sản thừa kế của các đồng thừa kế, nên họ có quyền yêu cầu phân chia. Chỉ khi nào có sự đồng ý của các đồng thừa kế, ông mới được phép tu sửa hoặc xây dựng nhà và thực hiện các quyền khác của chủ sở hữu.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, trường hợp phát sinh tranh chấp, ông có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Đông Hòa hoặc Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên (nếu có người nước ngoài tham gia) xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Luật sư NGÔ MINH TÙNG