Thứ Tư, 27/11/2024 01:19 SA
Làm thế nào xây dựng gia đình hạnh phúc?
Thứ Sáu, 28/06/2013 09:00 SA

Một gia đình hạnh phúc phải được xây dựng trên nền tảng tình yêu, sự tôn trọng, cảm thông, sự quan tâm chia sẻ trách nhiệm và không có bạo lực. Làm thế nào để xây dựng gia đình hạnh phúc? Câu hỏi đó không chỉ đặt ra cho các gia đình mà còn là mối quan tâm của cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm.

 

tien130628.jpg
ÔNG HỒ VĂN TIẾN, GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT-DL: Phòng chống bạo lực, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc

 

Thời gian qua, Sở VH-TT-DL tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đến nay, tỉnh đã thí điểm và nhân rộng mô hình 226 CLB Gia đình phát triển bền vững và 30 nhóm phòng chống bạo lực gia đình. Kết quả hoạt động của các mô hình này rất khả quan, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

 

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình trong những năm qua trên địa bàn tỉnh không giảm, xảy ra ở mọi tầng lớp xã hội với nhiều loại đối tượng khác nhau. Bạo lực gia đình được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục... Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình có nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản là do tình trạng bất bình đẳng giới, vẫn còn lạm dụng rượu bia và các tệ nạn xã hội khác như cờ bạc, nghiện ma túy, ngoại tình, ghen tuông, thiếu hiểu biết pháp luật, kinh tế khó khăn...

 

Vì vậy, để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sớm đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cộng đồng, theo chúng tôi cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần tập trung một số giải pháp sau: Thứ nhất: tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình. Thứ hai: phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình; vai trò của họ hàng, dòng họ. Thứ ba: đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh. Thứ tư: phải xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình theo đúng quy định của Nghị định số 110 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình. Thứ năm: thực hiện việc lồng ghép chương trình phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành.

 

Việc phòng chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của tất cả các cấp các ngành, của mọi gia đình và toàn xã hội, do đó cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể nhân dân. Hàng năm, các cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt việc nắm tình hình các vụ bạo lực gia đình để ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra những vụ án nghiêm trọng.

 

Chi-Nam130628.jpg
BÀ ĐỖ THỊ PHƯƠNG NAM (TRƯỞNG BAN GIA ĐÌNH XÃ HỘI - HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ YÊN): Nuôi dưỡng tình yêu và chia sẻ trách nhiệm

 

Trong mỗi thời kỳ, sự nhìn nhận về gia đình có sự khác biệt. Thời trước, xã hội giao việc chăm lo gia đình cho phụ nữ, coi đó là trách nhiệm của riêng người phụ nữ. Nhưng ngày nay thì khác, phụ nữ không chỉ lo công việc cơm nước, giặt giũ, nuôi con… mà còn đi làm việc, kiếm tiền cùng chồng chăm lo đời sống gia đình. Cho nên phụ nữ có thêm nhiều cơ hội nhưng cũng vất vả hơn so với phụ nữ thời trước, bởi phải gánh gồng rất nhiều việc, từ việc nhà đến việc xã hội. Và dù có thành đạt, có là trụ cột về kinh tế trong gia đình thì vai trò của người phụ nữ trong gia đình vẫn không hề mất đi, vẫn chăm lo, quán xuyến mọi việc. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình hết sức quan trọng nhưng cũng hết sức nặng nề. Vì vậy, phụ nữ phải thay đổi về nhận thức, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý, chăm sóc bản thân, tạo cơ hội để mình học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phân công công việc cho các thành viên trong gia đình một cách hợp lý, mỗi người góp một tay chia sẻ công việc gia đình.

 

Để xây dựng gia đình hạnh phúc, vợ chồng cần có sự chia sẻ trách nhiệm trong công việc gia đình, tôn trọng nhau, cảm thông chia sẻ, chung thủy và đặc biệt là tình yêu thương đủ lớn để vượt qua những thử thách trong cuộc sống.

 

Le-trung-Kien130628.jpg
ÔNG LÊ TRUNG KIÊN, CHUYÊN VIÊN PHỤ TRÁCH BÌNH ĐẲNG GIỚI - VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ (SỞ LĐ-TT-XH): Nam giới phải có trách nhiệm đối với công việc gia đình

 

Theo quan niệm truyền thống, phụ nữ là người lo toan công việc gia đình - những công việc không tên, từ chăm sóc con cái đến việc chợ búa, bếp núc, giặt giũ… Nhưng không, phải hiểu là công việc gia đình không chỉ thuộc về phụ nữ; nam giới cũng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với những công việc đó.

 

Cũng không nên nghĩ một cách máy móc rằng vợ đi chợ thì chồng nấu cơm; vợ chăm con thì chồng giặt giũ quần áo… mới là bình đẳng. Để thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, vợ và chồng phải chia sẻ trách nhiệm và có sự hỗ trợ nhau trong công việc gia đình. Giới tính của nam và nữ có những đặc thù riêng và không bao giờ thay đổi, còn giới thì thay đổi theo sự thay đổi của xã hội, ví dụ nữ giới vẫn làm thủ tướng, vẫn đá bóng được… Để hiểu đúng về bình đẳng giới, thứ nhất phải thừa nhận, coi trọng các đặc điểm giống và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới. Thứ hai, cả phụ nữ và nam giới đều bình đẳng và được tôn trọng như nhau. Thứ ba, cả nam giới và nữ giới đều chia sẻ quyền và trách nhiệm trong sản xuất, tái sản xuất…

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek