Hôm ấy về xã vùng sâu nọ công tác, tôi tình cờ phát hiện hoàn cảnh đáng thương của chị L. Hai năm nay, sau mỗi lần uống rượu về nhà, chồng chị cứ thường xuyên “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” khiến vợ mình thương tích bầm dập.
Không những hành hạ vợ, tay chồng vũ phu còn đánh cả mấy đứa con. Hàng xóm đã nhiều lần can ngăn nhưng không được vì chồng chị L hung dữ quá, dọa “sẽ chém nếu ai can thiệp vào việc riêng của nhà này”. Sự việc được báo lên chính quyền xã. Nghe tin, chủ tịch xã xuống gặp Ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể của thôn đề nghị đứng ra hòa giải vụ việc cho yên ấm. Phân tích, dàn xếp bằng lời nói mãi không được, trưởng ban Công tác Mặt trận thôn quyết định “rút lui” vì “kẻ say lại liều lĩnh thì khó tiến bộ lắm”! Trong khi đó, chi hội trưởng phụ nữ lại khuyến cáo người vợ nên nhẫn nhịn, không được làm trái ý chồng để chờ khi anh ta tỉnh lại thì lựa lời khuyên giải theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Sự việc cứ thế nhùng nhằng trong một thời gian dài, hậu quả là một ngày nọ, chị L bị người chồng quen thói bạo hành đánh cho một trận thừa sống thiếu chết phải đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Vì hành vi cố ý gây thương tích cho người thân, người chồng phải sa vào vòng lao lý khiến gia đình tan đàn xẻ nghé…
Từ sự việc này, đã đến lúc nên nhìn nhận lại công tác hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ở cơ sở. Có thể nói, lâu nay, công tác này đã đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư. Nhờ vậy, làm cho thôn xóm, làng phố bình yên, người dân yên tâm sản xuất, làm ăn, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Lâu nay, phần lớn những người tham gia làm công tác hòa giải ở thôn, buôn, khu phố là người cao tuổi, có uy tín trong cộng đồng. Có tâm, có kinh nghiệm sống, công tác (vì thường là cán bộ hưu trí), những người này (xin tạm gọi là hòa giải viên) đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở cơ sở. Nhưng do xã hội phát triển, các vụ việc mâu thuẫn cũng ngày càng phức tạp hơn, nhất là hiện nay tình trạng tranh chấp đất đai, ly hôn, tranh chấp quyền thừa kế… còn diễn biến hết sức phức tạp ở khu dân cư. Vì thế, yêu cầu đề ra là khi hòa giải về mâu thuẫn đất đai, về tài sản chia thừa kế, về ly hôn, về bạo hành gia đình…, tất yếu các hòa giải viên phải có hiểu biết pháp luật về các vấn đề này thì mới có thể sau khi nắm chắc vụ việc thì biết phân tích rõ đúng sai. Sau khi nói chuyện pháp lý, mới viện dẫn đến tình cảm gia đình, người thân, tộc họ, tình làng nghĩa xóm… để việc hòa giải thêm thuyết phục. Nếu làm được như vậy thì các hòa giải viên sẽ ngăn chặn, hóa giải được nhiều vụ việc ngay từ lúc mới manh nha phát sinh, không cho “bé xé ra to” và tránh được nhiều trường hợp phải dắt nhau ra tòa rất đáng tiếc.
Đã đến lúc Mặt trận và các ngành, cấp liên quan cần chú ý đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, trang bị kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở thông qua các lớp tập huấn, cung cấp tài liệu… Có như vậy mới góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của lực lượng này, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
SÔNG BA HẠ