Thứ Hai, 07/10/2024 17:31 CH
Nói “không” với thuốc lá
Bài 3: Bỏ tiền... mua bệnh
Thứ Hai, 03/06/2013 14:00 CH

Bài 1: Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có đi vào đời sống?

 

Bài 2: Khi cán bộ, công chức, viên chức chưa làm gương

 

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy, trong khói thuốc lá có đến 7.000 chất độc, trong đó ít nhất 70 chất gây ung thư. Những người hút thuốc trong vòng 6 tháng, khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Họ cũng chết sớm hơn người không hút đến 20 năm. Đặc biệt, trẻ sống trong gia đình có người hút thuốc cũng có nguy cơ mắc các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, chết đột ngột, hen suyễn cao gấp 8 lần so với trẻ khác. Tuy nhiên, nhiều người vẫn dửng dưng bỏ tiền… mua bệnh.

 

tim-mach130603.jpg

Hàng ngày, hàng giờ có vô số người phải nhập viện vì các bệnh tim mạch, ung thư, phổi... mà thủ phạm chính là thuốc lá - Ảnh: T.THỦY

LAO ĐAO VÌ BỆNH

 

Mới đây, WHO đã làm một thử nghiệm để đánh giá chính xác khả năng gây hại của thuốc lá đối với lá phổi của con người. Theo đó, mỗi điếu thuốc lá có chứa 18mg nhựa (hay còn gọi là hắc ín). Đốt hết 150 điếu thuốc, màu nước trong bình kín (tượng trưng cho lá phổi) chuyển thành màu vàng. Đốt thêm 230 điếu nữa, nước chuyển thành màu đen như màu cà phê. Đốt hết 400 điếu, nước chuyển màu đen kịt. Sau khi cô đặc nhựa trong bình nước, các nhà khoa học thu được 7,2g hắc ín, rất đắng và dính. Đây cũng chính là thứ xâm nhập vào phổi con người sau khi hút thuốc. Chúng tồn tại lâu dài và gây ra bệnh ung thư phổi. WHO dự báo, nếu Việt Nam không có các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh và hiệu quả thì đến năm 2030 số ca tử vong hằng năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ tăng đến 70.000 người.

Tại khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà Nguyễn Thị Cảnh (xã Hòa Thành, Đông Hòa) cho biết, chồng bà bị bệnh tim rất nặng. Tuy uống thuốc thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị lên cơn đau tim rất nặng, phải cấp cứu. Bà Cảnh thổ lộ: “Nghe nói bệnh của ổng có nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan đến hút thuốc lá. Từ hồi cưới nhau đến giờ, tôi thấy ổng luôn nghiện thuốc. Những lúc gia đình khó khăn, tôi bảo ổng bỏ thuốc vì tốn tiền quá, nhưng ổng không làm được, còn nói có nhiều người hút. Mấy năm nay ổng đổ bệnh, gia đình tôi mất công lao động chính lại phải tốn bao khoản chi chí để chữa bệnh cho ổng”.

 

Cánh thợ hồ chính là nhóm những người hút thuốc lá nhiều nhất. Chị Hồ Thị Bảy (phường 7, TP Tuy Hòa) than phiền: “Tôi thấy họ châm thuốc liên tục mà phát lo. Mình lo tốn tiền mua thuốc đã đành mà lo ảnh hưởng bệnh tật thì nhiều hơn. Buổi trưa nghỉ ngơi, họ nhả khói ùn ùn, làm ảnh hưởng đến những người trong gia đình. Khi tôi hỏi hút như vậy thì tiền đâu mà mua. Phần lớn mấy ông thợ hồ cười: “Thì trích ra một nửa tiền làm công để mua thuốc. Không có thuốc tụi tui sống sao nổi”. Tôi có nghe câu chuyện từ cánh thợ hồ, được biết vì hút thuốc nhiều nên không ít trường hợp phải nhập viện và phát hiện ung thư phổi. Họ nói, thấy vậy cũng sợ, nhưng lỡ nghiện rồi, bỏ không được”.

 

Có những nhà gạo không đủ ăn, nhưng người chủ trong gia đình vẫn dùng một khoản chi phí để mua thuốc lá. Chị Lê Thị Hồng (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) mệt mỏi nói: “Mỗi ngày, cả nhà 5 miệng ăn cũng đi chợ mua thức ăn chừng 15.000 đồng. Nhưng, mỗi ngày ông nhà tôi cũng phải dùng bằng số tiền ấy để nhả khói. Tôi còn lo sợ tới lúc ông ấy đổ bệnh thì cuộc sống càng khó khăn hơn”.

 

Phần lớn các bệnh nhân tại Khoa Lao Bệnh viện tỉnh đều có thời gian dài “gắn bó” với điếu thuốc. Anh Nguyễn Văn Mãn (xã Hòa Thắng, Phú Hòa), người nhà của một bệnh nhân nói: “Trước những tác hại của thuốc lá, tôi cũng đã khuyên ba tôi từ bỏ. Tuy nhiên, do công việc và cuộc sống, nhiều khi căng thẳng và áp lực, nên ông ấy lại tiếp tục hút thuốc lá để khuây khỏa. Và hậu quả là… phải nằm viện”.

 

THUỐC LÁ - TỬ THẦN GIẤU MẶT

 

Vai trò gây bệnh của hút thuốc đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như ở nước ta. Hút một điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5-8 năm. Tại hội thảo cập nhật chính sách liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam tổ chức mới đây, Bộ Y tế cho biết: Điều tra của Viện Chiến lược chính sách y tế năm 2011 cho thấy thuốc lá liên quan đến 12% gánh nặng bệnh tật trong tổng gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), hiện Việt Nam là nước có tỉ lệ dân số sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới với 23,8% (15 triệu người). Chưa kể, những người phải ngửi khói thuốc thụ động cũng rất cao. Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010 tại nước ta cho thấy, 67% những người không hút thuốc bị phơi nhiễm khói thuốc tại nhà, gần 50% phơi nhiễm khói thuốc tại nơi làm việc, phơi nhiễm khói ở các nơi công cộng, cao nhất là ở các nhà hàng, quán giải khát với tỉ lệ gần 90%.

 

Có thể thấy, vai trò gây bệnh dẫn đến tử vong của thuốc lá không đột ngột như tai nạn giao thông; không ám ảnh như HIV/AIDS nhưng rõ ràng thuốc lá là một trong những tử thần giấu mặt. Nó âm thầm tấn công vào cơ thể và mỗi năm cướp đi sinh mạng của 40.000 người Việt Nam.

 

Một công bố khác của Bệnh viện K Trung ương cho thấy sự đáng sợ của thuốc lá. Nghiên cứu này cho biết, hút thuốc làm tăng tỉ lệ tử vong từ 30-80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch… Những người hút thuốc trong vòng 6 tháng có khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút.

 

Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc có nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc. Ngoài ung thư và các bệnh về hô hấp, hàng loạt căn bệnh nguy hiểm do thủ phạm là thuốc lá gây ra như: tim mạch, sản phụ khoa, đường ruột… Đặc biệt hút thuốc lá còn gây rối loạn tình dục ở nam, làm giảm sản xuất tinh trùng, làm dị dạng tinh trùng, giảm khả năng di chuyển và nguy hiểm hơn, một số trường hợp gây liệt dương…

 

Theo bác sĩ Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Phú Yên: Khi những người hút thuốc lá có các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì hoặc người có yếu tố gia đình bị bệnh tim mạch thì tác hại của thuốc lá sẽ gấp lên rất nhiều lần chứ không chỉ đơn thuần là tác dụng cộng. Các nghiên cứu cũng cho thấy, mức độ ảnh hưởng đến tim mạch cũng tăng theo mức độ hút thuốc lá, tức là càng hút nhiều hút lâu, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao.

 

Bài cuối : Chung tay đưa luật vào cuộc sống

 

Nhóm PV VH-XH

Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá

 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá được thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. (Điều 31 Luật PCTHTL)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek