Thứ Ba, 08/10/2024 23:47 CH
Đi chặt mía thuê
Thứ Sáu, 17/05/2013 09:00 SA

Dọc trên các tuyến đường từ huyện Sông Hinh qua Sơn Hòa rồi lên tận huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), từng đoàn người chặt mía thuê căng bạt che lều sống tạm dưới bụi cây, bờ cỏ trên gò đồi. Có gia đình “đùm túm” cả con nhỏ đi mưu sinh.

 

Chat-mia-an-com.jpg

Bữa cơm trưa của những người chặt mía thuê - Ảnh: H.NAM

MƯU SINH… LIÊN TỈNH

 

Trưa tháng tư, ở vùng rừng núi xã Đức Bình Tây (Sông Hinh) nắng như đổ lửa, nhiệt độ lên 36-37oC, từng tốp người hì hục chặt mía. Trời đứng gió. Nắng trên đầu như sắt lại. Họ vẫn làm việc miệt mài. Mồ hôi ướt sũng quần áo, cứ như họ vừa mới nhúng nước ở dưới sông. Cái xô nước đá để dưới gầm xe, ai khát đến múc một ca, ực một hơi rồi chặt tiếp. “Ráng chặt cho đủ 50 vác trong buổi sáng!” - một người trong nhóm nói. Trời đứng bóng. Từng tốp người lầm lũi ra về. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đông và chị Nguyễn Thị Sen đếm lại số bó mía mà mình chặt được, sau đó anh Đông còn ra phía bờ rào quơ mấy cây củi khô ôm về. Đến trại, chị Sen lấy xoong nồi vo gạo nấu cơm. Cạnh đó anh Dương Văn Long cũng nhóm lửa nấu cơm, gió thổi mạnh lửa tạt ra ngoài, nồi cơm lâu sôi, anh Long xoay người ngồi chắn hướng gió. Vần nồi cơm xuống bếp than hồng, anh bắc nồi lên nấu canh chua cá mặn với lá giang rừng.

 

Bữa cơm được dọn ra, ai cũng có “nồi riêng” nhưng có chén canh, quả trứng bưng qua sớt cho nhau. Bữa ăn trưa trôi qua nhanh chóng. Anh Long cho biết, tốp người đang chặt mía thuê ở đây quê ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa). “Nhà tôi có 2 sào lúa làm một năm 2 vụ, ngoài ra không có sắn mía gì cả. Mà lúa làm cũng đủ ăn quanh năm, có nhà dư chút đỉnh bán đủ đi tháng chợ. Tụi tui ráng đi làm để có tiền nuôi con ăn học” - anh Long nói.

 

Cũng theo anh Long, năm ngoái vợ chồng anh cũng quần quật đi làm thuê, nhưng năm nay cha mẹ vợ cho mảnh đất gần mương nước trồng rau muống, vợ anh ở nhà nuôi heo, chăm con. Trước khi đi, vợ anh sắm chuyến, đi chợ mua thức ăn chủ yếu là nước mắm, cá mặn và bột ngọt.

 

Đi sâu vào một triền gò đồi, chúng tôi bắt gặp tốp người đang ăn trưa, lúc đó trời hơi triện xế. Trong số đó, có hai vợ chồng đang ăn cơm cùng với một đứa con nhỏ. Người mẹ đút cơm cho con ăn, đứa bé vừa ăn, vừa lim dim đôi mắt. Người mẹ là Trần Thị Lạc, còn chồng Nguyễn Viết Hận, quê ở thị trấn Phú Hòa (Phú Hòa). “Gia đình có 3 đứa con, đứa lớn học lớp 5, đứa kề học lớp 3 gởi ở nhà bà ngoại thứ (em ruột của bà ngoại) trông dùm, còn đứa nhỏ mới 4 tuổi Nguyễn Thị Thúy Nguyệt đang bồng theo. Khi đi chặt mía, tui bồng con theo, chặt mấy nhánh cây cắm xuống đất có bóng mát cho con ngồi. Hai vợ chồng vừa chặt mía vừa thăm chừng”- chị Lạc nói. Không chỉ chặt mía ở đây mà vợ chồng chị còn lên tận Gia Lai chặt mía thuê. Thời điểm nắng gắt, mía thu hoạch rộ, cả tháng họ về nhà một lần.

 

DỐC SỨC CHO THẦU CÔNG

 

Chặt một vác mía nặng 12kg, được trả công 1.000 đồng. Trung bình một người dốc sức chặt ròng rã cả ngày được 100 vác mía. Đó là đàn ông sức dài vai rộng, còn phụ nữ tay mềm chân yếu như chị Lạc thì ráng lắm cũng được 70 vác. “Đàn ông tay mạnh, túm bụi mía 3 cây dùng rựa phạt một lần đứt gốc. Phụ nữ thì chặt từng cây nên chậm hơn”, anh Hận nói. Trung bình một vác mía, người chặt mía thuê bỏ công sức ráng chặt thêm 2kg trả công cho thầu công. Anh Hận giải bày: “Người thầu công nhận khoán của chủ mía 1 triệu đồng/tấn, họ khoán gọn lại cho người chặt thuê cũng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu như tính ra một vác mía chỉ nặng 10kg nhưng mình chặt dư ra 2kg. Người làm công chặt 1,2 tấn thì người thầu công hưởng 200kg, coi như trả ơn, công của người thầu công. Có qua có lại đó mà”.

Chặt mía thuê “kiêm” luôn công bốc vác lên xe tải 60.000 đồng/tấn. Mỗi xe tải trọng 20 tấn, một tốp 10 người vác mía chất lên xe, kiếm thêm 120.000 đồng/ngày kể cả trưa hay tối.

 

Anh Trần Thuận, một người bốc mía ở xã Suối Bạc (Sơn Hòa) kể, có bữa trưa nắng gắt, nồi cơm vợ bắc trên bếp chưa kịp sôi thì xe đã trờ tới bóp còi tin tin... Tôi đành để bụng đói mà đi bốc mía. Bữa đó chân run, bước lên cầu thang mà đầu gối muốn quỵ xuống, xây xẩm mặt mày. Có hôm anh nhét trong túi áo gói mì tôm, tới chừng thấy đói thì xé ra ăn sống rồi uống nước để lấy sức. Cái thang cây cao bốn mét, sừng sững. Khi xe mía còn lưng thì người vác mía bước lên khoẻ. Tới lúc xe đầy phải leo mút lên đọt thang, thở dốc…

 

Để có thể “chịu nắng”, theo kinh nghiệm của nhiều người, khi đi bốc mía ngoài trùm cái khăn trên đầu còn phải mặc áo dày, mồ hôi đổ ra ướt nhũng cả áo. Vì vậy, ngoài trời nắng như đổ lửa mà người bốc mía lúc nào cũng thấy mát da.

 

Làm cực nhọc, ăn uống kham khổ. Ban đêm ngủ người mỏi rã rời. Đêm tối có người cựa mình kèm theo tiếng rên rỉ vì nhức mỏi. Đêm khuya khoắt còn có tiếng khóc trẻ con yếu ớt vọng ra từ lán trại của đoàn người mưu sinh… liên tỉnh.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek