Ngành Dân số tỉnh vừa triển khai chiến dịch Chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đợt 1/2013 (gọi tắt là chiến dịch) trên phạm vi toàn tỉnh, đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh những kết quả bước đầu, năm 2013, ngành Dân số Phú Yên phải đối mặt với nhiều khó khăn, do gần 85% kinh phí phục vụ chiến dịch từ chương trình mục tiêu quốc gia về dân số/KHHGĐ bị cắt giảm.
Chị em phụ nữ trong chiến dịch đợt 1/2013 chờ được siêu âm thai tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh - Ảnh: T.DIỆU
Mỗi khi ngành Dân số tỉnh triển khai chiến dịch, nhiều phụ nữ trong tỉnh, nhất là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có dịp được kiểm tra sức khỏe sinh sản và thực hiện KHHGĐ. Chị Thanh Thúy ở xã Hòa Tân Tây (Tây Hòa) chia sẻ: “Tôi không có điều kiện đi khám phụ khoa định kỳ tại bệnh viện tuyến trên. Vì vậy tôi chỉ chờ đến khi Nhà nước triển khai các đợt chiến dịch tại xã thì tôi đến để được tư vấn, khám sức khỏe”.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, trong chiến dịch đợt 1 vừa tổ chức với gói dịch vụ KHHGĐ, có gần 51.000 đối tượng được cung cấp các biện pháp tránh thai lâm sàng và phi lâm sàng (thuốc tiêm, thuốc cấy, đình sản, bao cao su, viên uống tránh thai, vòng tránh thai), đạt 105% kế hoạch đề ra. Với gói dịch vụ Phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản, có hơn 16.300 lượt phụ nữ được khám phụ khoa; hơn 7.000 trường hợp được điều trị bệnh phụ khoa, đạt 114% kế hoạch đề ra. Còn gói dịch vụ Làm mẹ an toàn, có gần 4.400 bà mẹ mang thai được khám, tư vấn và được cấp viên sắt; 169 bà mẹ được siêu âm thai để sàng lọc trước sinh, đạt 98% kế hoạch đề ra. Kết quả trên cho thấy nhu cầu được chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ của người dân trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) trên toàn tỉnh là rất cao.
Tuy nhiên, năm 2013, Tổng cục DS-KHHGĐ chỉ cấp kinh phí cho Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên triển khai thực hiện chiến dịch tại 17 xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, còn các xã, phường, thị trấn còn lại thì không được cấp kinh phí để triển khai chiến dịch. Trong khi hoạt động này đòi hỏi phải triển khai ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Chính sự eo hẹp về kinh phí đã gây không ít khó khăn trong quá trình triển khai chiến dịch, dẫn đến nhiều mục tiêu trong các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tại nhiều địa phương không hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, ngoài trừ huyện Đồng Xuân và Phú Hòa.
Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đồng Xuân cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số/KHHGĐ không hỗ trợ kinh phí cho gói dịch vụ Phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản, nhưng tỉ lệ phụ nữ đến khám và mắc bệnh phụ khoa lên đến 41% số người được khám. Để thực hiện tốt gói dịch vụ này, UBND huyện phải hỗ trợ kinh phí”.
Theo ông Lê Văn Bi, Phó phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thực tế cho thấy, ở nơi nào có sự quan tâm của lãnh đạo địa phương thì chiến dịch được triển khai rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng tham gia mạnh mẽ từ phía người dân. Ví dụ như huyện Đồng Xuân và Phú Hòa, cùng với sự động viên, UBND huyện còn hỗ trợ kinh phí, các ban ngành, đoàn thể cùng nhau phối hợp để thực hiện thì chiến dịch đạt các chỉ tiêu đặt ra, còn ngược lại, lãnh đạo địa phương nào ít quan tâm thì chiến dịch khó đạt kết quả cao.
DIỆU ANH