Ngày 19/2 vừa rồi, trên cơ sở đề nghị của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy năm 2013 là Năm Gia đình Việt Nam; đồng thời, chỉ đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành liên quan tổ chức những hoạt động thích hợp, cụ thể và thiết thực Năm Gia đình Việt Nam; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Cách đây hơn 100 năm, đại thi hào Goethe (Đức) từng nói: “Dù là ông hoàng hay dân cày, người hạnh phúc nhất trên đời này là người tìm thấy sự êm đềm dưới mái nhà mình”. Điều này chứng tỏ gia đình yên ấm luôn là chỗ dựa vững chắc của các thành viên trong nhà. Chính nhờ chỗ dựa “êm đềm” này mà các thành viên vừa yên tâm làm tròn trách nhiệm đối với mái ấm của mình, vừa làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc. “Gia đình là tế bào của xã hội”, vì thế gia đình có yên ổn, hạnh phúc thì xã hội mới phát triển toàn diện và bền vững được. Ngược lại, gia đình lộn xộn, lục đục, không có kỷ cương… ắt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội. Có ý kiến cho rằng: Gia đình đầm ấm bao gồm 2 yếu tố: vợ chồng hòa thuận và con cái nên người. Không có 2 yếu tố ấy, dù giàu có bao nhiêu cũng chẳng có hạnh phúc. Nếu không có mái ấm gia đình, ta tạo và hưởng hạnh phúc ở đâu? Điều này ngẫm thật chí lý.
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực khiến cho cộng đồng cảm thấy bất an, lo lắng về sự rạn vỡ của mái ấm gia đình. Đó là bởi mâu thuẫn dồn nén lâu ngày, vợ dùng xăng đốt chồng đến tử vong; vì “mê” thói bạo hành, chồng nhiều năm liền thường xuyên “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” với vợ con khiến công an phải vào cuộc. Rồi con đâm mẹ vì xin tiền đi uống rượu không được; cháu giết ông do tưởng ông có vàng đang giấu đâu đó trong nhà…
Nguyên nhân của những câu chuyện đau lòng nói trên thì có nhiều. Nhưng trong đó, có một phần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở, nhất là ở tại khu dân cư, nơi thường xuyên và trực tiếp xảy ra những chuyện vui và không vui của từng gia đình. Chuyện vui thì không nói ở đây nhưng chuyện không vui thì xin lạm bàn một chút. Ở Phú Yên thì chưa có nhưng vào ngày 24/4 vừa rồi, do cuộc sống gia đình quá túng quẫn, không đủ tiền lo cho các con ăn học, bản thân lại mắc bệnh nặng nên chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (trú tại ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau, Cà Mau) đã tự vẫn. Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, ông Hồ Trung Việt, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết bản thân ông thấy rất đau xót trước vụ việc xảy ra với gia đình chị Nhân. Ông thừa nhận chuyện quyên sinh của chị Nhân dù nguyên nhân chính là sức ép từ bệnh tình, tiền học của các con nhưng chính quyền cơ sở có lỗi một phần khi chưa sâu sát, chậm phát hiện để có sự trợ giúp kịp thời. Không chỉ ông chủ tịch mà nhiều cán bộ xã, thôn nơi gia đình chị Vân sinh sống cũng cảm thấy ray rứt sau cái chết của người phụ nữ bế tắc trước cuộc sống này. Rõ ràng, những sự “phản tỉnh”, “rút kinh nghiệm sâu sắc” như vậy thật quá muộn màng, chậm trễ!
Luôn sát dân, gần dân, nắm bắt tâm tư, tình cảm của dân để có biện pháp trợ giúp, giải quyết thỏa đáng, xử lý, ngăn chặn kịp thời, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của dân là yêu cầu đề ra cho đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là ở cơ sở. Thực hiện thật tốt yêu cầu trên chính là góp phần hạn chế, giảm thiểu các vụ việc làm hoen ố mái ấm gia đình, gây rạn nứt, đổ vỡ “tế bào của xã hội”, là góp phần xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Bên cạnh sự tự nỗ lực vươn lên, chăm chút xây dựng gia đình êm ấm, hạnh phúc của mỗi nhà, việc thực hiện thật tốt yêu cầu trên sẽ thiết thực góp phần làm cho Năm Gia đình Việt Nam 2013 nhằm vận động, tuyên truyền cộng đồng củng cố, xây dựng ngày càng nhiều gia đình hạnh phúc, văn minh trong những năm tiếp theo.
XUÂN TÂM