Bắt đầu từ tháng 5, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai chương trình giám sát vi rút cúm A/H7N9, thu thập 18.000 mẫu gia cầm để xét nghiệm tại 60 chợ đầu mối và chợ gia cầm sống.
Cùng với đó, Bộ Y tế đã xây dựng 4 tình huống đối phó với dịch cúm A/H7N9: chưa có trường hợp bệnh trên người, trường hợp nhiễm trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người, trường hợp lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp, trường hợp dịch bùng phát ra cộng đồng. Tổng kinh phí dự phòng để ứng phó với 4 tình huống trên khoảng gần 115 triệu USD. Đây là những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội nghị Huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam tổ chức sáng 6/5 tại Hà Nội, do Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế tổ chức.
Giáo sư, tiến sĩ Vũ Sinh Nam, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, dịch cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát dịch ở nước ta rất cao do tình hình dịch tại Trung Quốc liên tục gia tăng, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, việc vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu vẫn khó kiểm soát, lượng người qua lại cửa khẩu lớn.
Hiện tại, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam tiến hành xét nghiệm hơn 500 mẫu gia cầm. Tất cả mẫu này đều cho kết quả âm tính với vi rút cúm A/H7N9.
Tiến sĩ Takeshi Kasai, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và tiến sĩ Scott Newman - điều phối viên kỹ thuật cao cấp của FAO tại Việt Nam, cho biết WHO và FAO sẽ tích cực ủng hộ các biện pháp chủ động của Chính phủ Việt Nam trong việc đối phó với nguy cơ dịch bệnh mới này. Mặc dù ở Việt Nam chưa tìm thấy vi rút cúm A/H7N9 nhưng việc phát hiện sớm chính là yêu cầu quan trọng trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.
Theo WHO, tính đến ngày 3/5, tổng số ca nhiễm cúm A/H7N9 là 128 người, trong đó có 27 ca tử vong, 26 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, 75 bệnh nhân khác đang được chăm sóc và điều trị đặc biệt. Tỉ lệ tử vong trên các ca mắc cúm A/H7N9 hiện khoảng 20%. Đến nay vẫn chưa có bằng chứng vi rút cúm A/H7N9 lây từ người sang người.
(Chinhphu.vn)