Thông thường, công việc bếp núc, chợ búa do cánh chị em đảm đương. Nhưng trong quân đội, công việc này hầu hết đều do... các anh tự lo lấy. Ở đơn vị T5 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên) cũng vậy. Tài nấu nướng của các “anh nuôi” ở đây không hề “thua chị kém em”.
“Anh nuôi” Lâm Chí Cường chuẩn bị bữa ăn cho đồng đội – Ảnh: XUÂN HIẾU
Phụ trách tiểu đội “anh nuôi” là thiếu uý Lê Ái Minh. Ngoài nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc anh em lo tốt bữa ăn cho cả tiểu đoàn, Minh còn phụ trách việc xuất tiền, gạo, thực phẩm... và chấm cơm bộ đội mỗi ngày. Công việc ngày nào cũng giống như ngày nào nhưng theo Minh, nếu không tâm huyết, thiếu nhiệt tình, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn. “Dư một đồng, một xu cũng không được. Mà thiếu một lạng hoặc phần ăn cũng không xong” - Minh nói.
Thiếu uý chuyên nghiệp Trần Đức Phúc (28 tuổi, quê ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An), người đã qua trung cấp nấu ăn tại Trường Quân chính Quân khu 5 (Đà Nẵng), cho biết cả tiểu đội chỉ mình anh là được đào tạo bài bản về nghề. Số anh em còn lại đều là “tay ngang”, trong đó nhiều người trước khi trở thành “anh nuôi” chưa một lần đi chợ, chưa một lần vô bếp, thậm chí lặt rau cũng... chưa! Lúc đầu có hơi bỡ ngỡ nhưng càng về sau “tay nghề” của anh em càng nâng lên, như “anh nuôi” Nguyễn Xuân Đông chẳng hạn. Chàng trai quê ở phường 9, TP Tuy Hoà, nhập ngũ năm 2006 này, lúc mới được phân công xuống bộ phận nhà bếp, ngay cả lặt rau cũng vụng về. Vậy mà nay từ thái thịt đến chế biến món ăn, Đông đã thành thạo. “Anh nuôi” phụ trách tiếp phẩm Lâm Chí Cường cũng vậy. Được giao đi chợ, lúc đầu Cường cũng khá ngượng, nhất là khi đang trả giá mà gặp các cô gái cùng trang lứa thích chọc ghẹo các chú bộ đội. “Nhưng nếu người ta thách bao nhiêu mình mua bấy nhiêu thì thiệt cho bộ đội quá! Những lần đầu, em đứng ngoài quan sát các chị, các cô, các má mua giá bao nhiêu rồi mua theo. Về sau, cứ trả theo sát giá thị trường, ai chọc ghẹo em không quan tâm. Cũng may là hầu hết các chị, các cô đều thương bộ đội nên ít hoặc không nói thách. Còn giờ, đã là bạn hàng rồi nên chỉ cần “phôn” là người ta đưa thực phẩm tới, rất đúng giá” - Cường tâm sự.
Đi chợ, về nấu ăn rồi chia theo phần, công việc tưởng nhàn hạ nhưng không đơn giản chút nào. Thiếu uý Trần Đức Phúc cho biết, vào mùa huấn luyện, quân số đông, bộ phận nuôi quân phải xin tăng cường thêm “anh nuôi” mới bảo đảm cơm ngon, đúng giờ, chén bát sạch sẽ. Theo quy định, mỗi “anh nuôi” lo bữa ăn cho 25 quân, nhưng có khi chỉ 4-5 người mà phải lo cho cả tiểu đoàn. Phúc nói vui: “Người ta bảo “Giàu thủ kho, no nhà bếp” “đúng” đấy anh ạ! Lo nấu nướng, phải nêm nếm, mùi thức ăn xông lên mũi, lên óc. Đến khi dọn lên bàn thì... mình cũng muốn… no rồi”!
Mục tiêu đặt lên hàng đầu của bộ phận “anh nuôi” là đảm bảo đủ tiêu chuẩn, định lượng, làm sao để bộ đội ăn ngon, ăn hết khẩu phần và bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì vậy, ngoài việc chọn thức ăn tươi sống, mua sát giá thị trường, các “anh nuôi” phải thường xuyên thay đổi món. Ở T5 có một nguyên tắc là không bao giờ “anh nuôi” cho bộ đội ăn rau sống nếu rau đó không phải là rau sạch tự trồng ngay trong doanh trại. Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, không hề có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra tại đơn vị. Lực lượng dự bị động viên khi tham gia huấn luyện ăn cơm do “anh nuôi” T5 nấu đều khen ngon. Riêng chiến sĩ mới, với tài nuôi quân của “anh nuôi” T5, thường sau đợt huấn luyện 15% quân số tăng cân từ 3-5kg, 60% tăng từ 1-3 kg, không có trường hợp giảm cân.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên đơn vị T5, nói: Tuy đa phần không được đào tạo bài bản, nhưng nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm lớp đàn anh đi trước, học hỏi từ các đơn vị bạn nên bộ phận nấu ăn không chỉ đảm bảo được bữa ăn ngon thường nhật cho bộ đội theo đúng tiêu chuẩn định lượng, hợp vệ sinh mà còn có thể làm tiệc nhân dịp lễ, tết, chất lượng, hình thức không thua gì các nhà hàng!
XUÂN HIẾU