Người Ê đê ở Phú Yên sống tập trung thành từng buôn, mỗi buôn khoảng 50-70 ngôi nhà, có cổng vào làng. Người Ê đê chủ yếu chăn nuôi và trồng trọt. Xuất phát từ đời sống nương rẫy nên hình ảnh cây lúa từ lâu đã in sâu vào trong cuộc sống, tâm thức và hình thành nên tập quán trong chu trình canh tác.
Người Ê đê trong ngày hội - Ảnh: N.TRƯỜNG
Sau mỗi mùa gieo cấy, chuẩn bị thu hoạch, người Ê đê tưng bừng tổ chức lễ cúng lúa. Họ quan niệm lúa có hồn và là hiện thân của thần linh nên lúa chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng. Cứ vào từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, người dân chọn đất làm rẫy, đến tháng 9, 10 lúa chín, họ làm chòi đuổi chim, đuổi thú, giữ rẫy.
Trước khi vào vụ gặt, gia chủ làm lễ cúng gọi hồn lúa về. Để tiến hành việc này, người vợ hoặc chồng lên rẫy ngắt ba bông lúa về treo ở nhà. Trên đường đi và về người rước hồn lúa phải im lặng, lúc cúng, đặt bông lúa ở vách phía đông bên cạnh ché rượu và con gà luộc. Khấn xong, ba bông lúa được cất vào kho.
Trước ngày gặt, gia chủ làm lễ cúng gọi Giàng, đất, núi, rừng, sông, Atau ông, Atau bà để báo rằng gia đình đã có lúa chín. Lễ vật cúng là một con gà, heo và một ché rượu. Mục đích của tục cúng lúa nhằm cầu mong Giàng phù hộ không có chim chóc cắn phá bông lúa để bà con thu hoạch đủ bông, để hạt lúa về đầy kho. Khi thu hoạch xong, lúa trên rẫy về đầy kho, từng gia đình tổ chức lễ ăn cơm mới để tạ ơn thần lúa, vui mừng với những thành quả đã đạt được. Đồng thời, đây cũng là dịp gia đình mời người thân và những người trong buôn làng đến chung vui.
Vì vậy, trong lễ này, ngoài cúng thần lúa, còn có cúng mừng sức khoẻ. Lễ vật chuẩn bị xong, thầy cúng trong bộ lễ phục tiến về ché rượu, hút vào chiếc bát đựng tiết lợn, hoà hai thứ vào nhau, thầy cúng đọc lời cầu nguyện mời thần linh về nhận lễ vật. Tiếp đến thầy cúng vẩy rượu chúc phúc xung quanh bếp lửa, dàn cồng chiêng, cầu thang, kho lúa. Phần lễ kết thúc, mọi người bắt đầu ăn mừng, mừng sức khoẻ và những điều tốt lành cho nhau, bàn công chuyện sản xuất sắp đến.
Tục cúng lúa của người Ê đê là dịp để dân làng bày tỏ những tình cảm của mình với núi rừng, nương rẫy đã tạo ra của cải vật chất để dân làng có cuộc sống ấm no, đủ lúa ăn quanh năm. Mặt khác, ăn mừng lúa được mùa là tín hiệu đầu tiên báo hiệu mùa bội thu năm sau.
TRÚC LỆ