Thứ Bảy, 05/10/2024 18:19 CH
Sông Hinh: Kịp thời phòng chống bệnh lở mồm long móng ở gia súc
Thứ Bảy, 23/02/2013 11:00 SA

Sau hơn nửa tháng phát hiện, kịp thời xử lý bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc, đến nay huyện Sông Hinh đã khống chế, không để bệnh này lây lan.

bo-lmlm130223.jpg

Gia đình Ma Ngoai, buôn Thô, thị trấn Hai Riêng không chăn thả bò bệnh LMLM lên rẫy, thực hiện nuôi nhốt tại nhà và cho ăn cỏ, đọt mía để bò mau khỏe mạnh - Ảnh: T.HƯƠNG

BAO VÂY BỆNH KỊP THỜI

Theo Trạm Thú y huyện Sông Hinh, bệnh LMLM trên đàn bò được phát hiện từ ngày 3/2 ở buôn Thô, thị trấn Hai Riêng, với 10 con. Từ ngày 14-17/2, bệnh phát sinh thêm 3 con của 3 hộ nuôi ở cùng thôn, nâng số bò bị nhiễm bệnh LMLM lên 13 con. Từ khi nhận được tin báo của cán bộ thú y cơ sở, Trạm Thú y huyện đã trực tiếp kiểm tra từng hộ nuôi, hướng dẫn gia đình cách điều trị, tiến hành tiêm phòng bao vây để khống chế bệnh. Ông Ma Thanh ở buôn Thô, thị trấn Hai Riêng, một trong những hộ có bò mắc bệnh LMLM đầu tiên cho biết: “Sau khi thấy 3 trong số 11 con bò của nhà nuôi có các dấu hiệu mắc bệnh như bỏ ăn, chảy nước bọt nhiều, chân đi khập khiễng, miệng và chân có nhiều vết loét, tôi báo cáo cho thú y xã để điều trị. Sau một thời gian điều trị đến nay số bò bị bệnh đã khỏe lại, đồng thời cả đàn bò của gia đình được tiêm phòng bao vây nên chưa có thêm con bò nào bị lây bệnh”. Hộ Ma Van ở buôn Thô, thị trấn Hai Riêng cũng có bò bị bệnh LMLM. Ma Van cho biết: “Thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y, gia đình tôi không đưa bò bị bệnh chăn thả trên rẫy mà nhốt riêng, phun thuốc sát trùng thường xuyên nên đàn bò giờ đã khỏe hẳn rồi”.

Ông Hoàng Kim Chung, Trưởng Trạm Thú y huyện Sông Hinh cho biết: Bệnh LMLM xuất hiện trên đàn gia súc của địa phương tại thời điểm trước và trong tết nên mặc dù gặp phải những khó khăn nhất định, Trạm Thú y đã phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện nhiều biện pháp khống chế, bao vây, dập bệnh. Hàng ngày, cán bộ kỹ thuật của trạm đều kiểm tra, theo dõi diễn biến của dịch; tiến hành đặt biển báo dịch tại buôn Thô, thực hiện phun thuốc tiêu độc sát trùng khu vực dịch bệnh từ 1-2 lần/ngày, nghiêm cấm việc vận chuyển, mua bán gia súc trong khu vực có dịch, tổ chức tiêm phòng bao vây khẩn cấp cho đàn gia súc tại 16 khu phố, thôn buôn lân cận vùng xảy ra bệnh LMLM. Đến nay trạm đã tiêm phòng được 1.929 con bò, đạt 90% gia súc trong diện tiêm; điều trị khỏi bệnh cho 11 con bò bị bệnh và đang tiếp tục điều trị cho 2 con bị bệnh còn lại. Mặc dù hiện nay bệnh LMLM đã được khống chế, tuy nhiên không vì thế mà ngành thú y và địa phương lơ là trong công tác phòng chống dịch. Các ổ bệnh LMLM được giám sát và theo dõi thường xuyên để có biện pháp dập dịch kịp thời khi tái phát dịch.

NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG TIÊM PHÒNG

Theo kế hoạch tiêm phòng của UBND tỉnh Phú Yên thì việc tiêm phòng vắc xin LMLM đợt I/2013 được triển khai từ cuối tháng 12/2012. Tuy nhiên, đến nay huyện Sông Hinh vẫn chưa tổ chức tiêm phòng.

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết, một trong những nguyên nhân đến nay địa phương vẫn chưa tổ chức tiêm phòng là vì đàn gia súc quá gầy ốm nên không đủ điều kiện tiêm vắc xin. Huyện sẽ triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM đợt I/2013 vào đầu tháng 3 và kết thúc vào cuối tháng 3.

 

Thống kê từ Phòng NN-PTNT huyện, tổng đàn bò của Sông Hinh hiện có khoảng 19.600 con, nuôi tập trung ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, tập quán của đồng bào là chăn nuôi bò thả rông, phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên. Nhưng những năm gần đây, đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp do bà con tận dụng trồng sắn, mía nên gia súc không còn nguồn thức ăn dồi dào như trước, sức khỏe đàn bò giảm sút, không đủ điều kiện tiêm phòng. Theo ông Hoàng Kim Chung, một nguyên tắc cơ bản khi tiêm phòng là chỉ tiêm phòng vắc xin khi gia súc có thể trạng khỏe mạnh vì lúc đó gia súc mới có khả năng đáp ứng miễn dịch cao. Không tiêm vắc xin cho những con gia súc đang ủ bệnh, những con quá gầy yếu, quá non, con mẹ mới đẻ, đang mang thai... Một số trường hợp khi tiêm vắc xin cho những con có thể trạng tốt nhưng do điều kiện thời tiết không thích hợp nên khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể gia súc kém, từ đó mầm bệnh vẫn có thể xâm nhiễm và gây bệnh cho vật nuôi. Sau khi tiêm vắc xin, cơ thể gia súc sẽ tạo được miễn dịch sau khoảng 2-3 tuần, nên thời gian đầu gia súc chưa có miễn dịch đầy đủ, gặp thời tiết xấu, vi rút gây bệnh nhiều gia súc vẫn có thể mắc và phát bệnh… Vì vậy, trong điều kiện phần lớn đàn gia súc của huyện đang thiếu thức ăn, gầy yếu, thời tiết bất thường chưa thể đáp ứng được điều kiện tiêm phòng nên ngành Thú y và địa phương đã quyết định chờ thời tiết ấm lên, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi bổ sung thêm các nguồn thức ăn thô xanh để nâng cao sức khỏe cho gia súc mới triển khai tiêm phòng.

 

TUYẾT HƯƠNG - HUYỀN ÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông
Thứ Bảy, 23/02/2013 08:22 SA
Điểm tựa của phụ nữ nghèo
Thứ Bảy, 23/02/2013 07:35 SA
Một bé trai bị tử vong do rơi xuống giếng
Thứ Bảy, 23/02/2013 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek