Từ năm 2002 đến nay, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh đã duy trì đều đặn chương trình phát thanh tiếng Ê Đê trên sóng, với 4 kỳ/tháng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào thông tin phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở các buôn làng; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với bà con. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh xây dựng thành công chương trình này.
Già làng Ma Vi kiểm tra văn bản dịch của biên dịch viên - phát thanh viên Y Thái.
Nhà văn Y Điêng, người đầu tiên cộng tác biên dịch, kiêm phát thanh viên chương trình phát thanh tiếng Ê Đê tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh tâm sự: “Để chương trình phát thanh tiếng Ê Đê có được sức sống như ngày hôm nay, có sự góp sức của lãnh đạo đài huyện đã trực tiếp gặp gỡ, đề nghị chúng tôi hợp tác để xây dựng chương trình này. Đồng bào ở huyện Sông Hinh phần lớn là người Ê Đê. Bản thân tôi cũng là người Ê Đê, biết cái chữ nên phải nói, phải dịch từ tiếng Kinh sang tiếng Ê Đê để bà con mình nắm bắt kịp thời tin tức thời sự địa phương, trong và ngoài nước; thấu hiểu những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy, tôi cùng với già làng Ma Vi trở thành người làm cộng tác biên dịch và phát thanh viên của đài”.
Do tuổi cao sức yếu và để chương trình được duy trì thường xuyên, nhà văn Y Điêng và già làng Ma Vi đã đào tạo một đội ngũ kế cận. Đầu tiên là Y Ngưu và Ly Hương. Họ có nhiệm vụ vừa dịch vừa đọc; nhà văn Y Điêng và già làng Ma Vi kiểm tra lại nội dung bản dịch, giám sát, hướng dẫn họ trong việc thể hiện lời đọc. Hiện nay Y Ngưu đang công tác tại Công an huyện Sông Hinh, còn Ly Hương đã trở thành biên dịch viên - phát thanh viên chương trình phát thanh tiếng Ê Đê của Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên. Ngoài ra, nhà văn Y Điêng và già làng Ma Vi còn đào tạo thêm biên dịch viên - phát thanh viên Y Thái.
Bên cạnh việc đưa tiếng nói của Đảng đến với bà con đồng bào Ê Đê ở các buôn làng trên địa bàn huyện bằng chính ngôn ngữ của đồng bào mình, nhà văn Y Điêng và già làng Ma Vi còn trực tiếp dạy 2 lớp tiếng Ê Đê cho cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang trong huyện. Qua các lớp học này, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ đọc thông viết thạo tiếng Ê Đê và đã vận dụng thành công trong công tác, nhất là công tác dân vận.
Để đạt được những kết quả nêu trên, bên cạnh sự quan tâm của lãnh đạo huyện trong việc bảo tồn ngôn ngữ người Ê Đê, có sự đóng góp không nhỏ của nhà văn Y Điêng và già làng Ma Vi. Già làng Ma Vi mong muốn: “Thời gian tới lãnh đạo huyện cần quan tâm đầu tư kinh phí tổ chức thêm các lớp học tiếng Ê Đê cho đội ngũ cán bộ trong huyện để họ làm tốt hơn công tác dân vận, đồng thời góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người Ê Đê. Ngoài chương trình phát thanh tiếng Ê Đê, huyện cũng nên đầu tư kinh phí xây dựng chương trình truyền hình tiếng Ê Đê mỗi tháng một kỳ nhằm giúp bà con nắm bắt tốt hơn chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
NGỌC CƯỜNG