Cùng với phát triển kinh tế, công tác đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) ở Phú Yên thời gian qua đã được quan tâm đúng mức và đạt được nhiều kết quả khả quan. Báo Phú Yên đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu chung này.
Nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó tổng biên tập Báo Phú Yên trao 1.000USD của bạn đọc ở nước ngoài gửi giúp đỡ gia đình chị Trần Thị Hân (thôn Phú Khê 2, xã Hòa Xuân Đông, Đông Hòa) xóa nhà tạm - Ảnh: K.LIÊN
Những năm qua, Phú Yên đã triển khai nhiều chính sách ASXH quan trọng, huy động được nhiều nguồn lực để trợ giúp cho các đối tượng: người dân tộc thiểu số, người nghèo, người già neo đơn, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương… vươn lên trong cuộc sống. Các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện rộng hơn cả về quy mô và đối tượng thụ hưởng. Các phong trào “Tương thân, tương ái”, “Quỹ vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”… được tổ chức thường xuyên, đóng góp đáng kể vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người nghèo.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ
Trong công tác tuyên truyền ASXH, bên cạnh phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, Báo Phú Yên đã phản ánh những việc làm được và chưa làm được; những mặt tồn tại cần khắc phục về các chính sách, hoạt động ASXH do các cấp, ngành, các hội đoàn thể triển khai; các hoạt động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Báo Phú Yên xác định tuyên truyền về ASXH cũng chính là tuyên truyền thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, báo chú trọng biểu dương các địa phương, đơn vị, cá nhân đã thực hiện có hiệu quả các chính sách về ASXH, những đơn vị và cá nhân tiêu biểu trong công tác xã hội từ thiện… góp phần tạo nên một phong trào Nhà nước và xã hội cùng chăm lo đảm bảo ASXH ở địa phương.
Ngoài công tác tuyên truyền, Báo Phú Yên còn trực tiếp tham gia công tác ASXH bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Báo làm cầu nối huy động sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đồng hành cùng họ đến trợ giúp tận tay những người yếu thế, những hoàn cảnh bất hạnh mà báo đã phản ánh qua mục: “Địa chỉ cần giúp đỡ”. Cùng với đó, cán bộ công nhân viên của báo đã gương mẫu đóng góp vật chất để cứu giúp các đối tượng yếu thế theo chủ trương của tỉnh. Đặc biệt, sau những tổn hại nặng nề do thiên tai gây ra ở địa phương, công tác ASXH của báo càng thể hiện rõ nét. Những năm qua, Báo Phú Yên đã phối hợp với các báo Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Hà Nội Mới… làm cầu nối cho các doanh nghiệp xây dựng tại Phú Yên 4 phòng học cho 1 trường trung học, 14 phòng học cho 4 trường tiểu học, 3 trường mẫu giáo, xây hơn 80 nhà tình nghĩa, nhà tình thương; trao hàng vạn suất học bổng, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm… góp phần ổn định cuộc sống người dân. Ngoài ra, mỗi năm Báo Phú Yên còn vận động các tổ chức, cá nhân trợ giúp hơn 2,5 tỉ đồng hỗ trợ xây nhà tình thương, tiếp sức cho trẻ đến trường; hỗ trợ những trường hợp bệnh đau nguy cấp; những gia cảnh ngặt nghèo, tặng quà tết... Riêng năm 2009, Báo Phú Yên phối hợp với nhiều báo bạn, các doanh nghiệp và kiều bào hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương bị thiệt hại bởi lũ gần 12 tỉ đồng.
Phó tổng biên tập Báo Phú Yên Phạm Thanh Phong (bìa phải) cùng nhà tài trợ trao nhà cho gia đình chị Phạm Thị Lệ (xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu) - Ảnh: M.KÝ
TIẾP TỤC PHÁT HUY VAITRÒ TRUYỀN THÔNG
Với Báo Phú Yên, thời gian qua việc đăng tải các tin, bài về những nạn nhân của chất độc da cam/dioxin, những trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, những trẻ em lang thang, những người bị nhiễm HIV/AIDS... đã được tỉnh quan tâm, đề ra những chính sách hỗ trợ đúng mực hơn đối với những đối tượng này. Bên cạnh báo in phát hành hàng ngày, Báo Phú Yên còn có báo điện tử (PYO), trang tin điện tử tiếng Anh (PYN) được bạn đọc trong và ngoài nước biết đến. Qua đó, báo góp phần cổ vũ tinh thần những cá nhân, tổ chức hoạt động vì công tác ASXH; kiều bào chia sẻ những khó khăn với bà con quê nhà.
Báo Phú Yên xác định, yếu tố then chốt để thực hiện tốt công tác ASXH là phải thông tin trung thực, chính xác. Để báo chí thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của mình, Đảng và chính quyền các cấp thường xuyên thông tin những vấn đề cần thiết cho báo chí, coi thông tin cho báo chí cũng là thông tin cho toàn Đảng và cho xã hội. Có như vậy, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với công tác ASXH sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, nhờ có thông tin nhiều chiều từ báo chí, các quyết định của cấp ủy, chính quyền sẽ phản ánh đúng quy luật hơn, đảm bảo tính hiện thực, tính khả thi cao, ý Đảng sẽ luôn phù hợp với lòng dân.
Với công tác tuyên truyền về ASXH, bản thân các nhà báo phải có thiện chí, không vì mục đích, động cơ cá nhân mà phải tạo mối quan hệ lâu dài, bền vững với địa phương, cơ sở. Hàng năm, nhân hội nghị cộng tác viên, Báo Phú Yên lồng ghép tôn vinh những tổ chức, cá nhân thường xuyên gắn kết với báo làm công tác từ thiện, qua đó động viên họ tiếp tục gắn bó, giúp báo ngày càng phát huy vai trò cầu nối giữa các tấm lòng vàng với những người khốn khó.
Bên cạnh tuyên truyền những hoạt động tích cực, coi trọng việc phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, báo còn chú ý phản ánh những vấn đề bức xúc, tiêu cực trong xã hội để các cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội ở nông thôn.
Các nhóm đối tượng của ASXH ngày càng đa dạng, đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách ASXH đa tầng, đa lớp, linh hoạt và đủ khả năng thực hiện những mục tiêu ASXH. Vì vậy, trong thời gian tới Báo Phú Yên sẽ bám sát những hoạt động này để tuyên truyền sâu sát và hiệu quả.
DƯƠNG THU