Thứ Năm, 28/11/2024 09:44 SA
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Phú Yên:
Cần những giải pháp đồng bộ
Thứ Hai, 24/12/2012 09:08 SA

Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, song công tác triển khai thực hiện Đề án 1956 tại Phú Yên hiện nay còn không ít khó khăn. Để đề án tiếp tục phát huy những thế mạnh cũng như tạo cú hích trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã đề ra một số giải pháp đồng bộ.

May121224.jpg

Học nghề may ở huyện Sơn Hòa - Ảnh: K.CHI

Triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian qua, tỉnh đã bổ sung chức năng dạy nghề cho các trung tâm tại các huyện, đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị có đủ năng lực dạy nghề và phân bổ nguồn kinh phí cho các trung tâm, đơn vị được giao nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn. Nhưng đến thời điểm này, hầu hết các trung tâm dạy nghề ở các địa phương đều gặp khó khăn trong việc tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ông Đoàn Phi Công, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Hòa, cho biết: Tư tưởng ham muốn học nghề và nhận thức về nghề của người lao động đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số còn quá thấp. Qua 2 năm triển khai, huyện đã đào tạo nghề cho 509 lao động. Con số đó còn thấp, bởi lẽ, người lao động nông thôn họ chỉ nghĩ học nghề cho vui chứ chưa hiểu rằng học để có nghề, để thoát nghèo. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên ở cơ sở dạy nghề chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, dẫn đến chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Học viên sau khi học nghề khó tìm việc làm hoặc tạo việc làm với chính nghề đã được đào tạo.

Về vấn đề này, ông Đỗ Đức Tánh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân, nhìn nhận: Trung tâm dạy nghề huyện mỗi năm có thể đào tạo nghề cho 300-500 cho lao động. Thế nhưng, chỉ tiêu của tỉnh giao về huyện năm nào cũng gần 1.000 lao động qua đào tạo. Trong khi đó, hiện nay, cơ sở, vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên dạy nghề... không thể đáp ứng chỉ tiêu đó, nên trung tâm cứ đào tạo theo năng lực hiện có. Và để kéo nông dân đến với việc học nghề, ngoài việc đào tạo tại chỗ, chúng tôi đã đến các thôn, buôn để tư vấn về học nghề phù hợp với độ tuổi, trình độ nhận thức, nhu cầu của người lao động.

Điều đáng nói, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề ở một số cơ sở dạy nghề chưa đạt yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ nên rất khó khăn trong công tác biên soạn chương trình, giáo trình, tổ chức giảng dạy dẫn đến chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Ngành, nghề đào tạo cũng chưa đáp ứng nhu cầu học tập của người học và yêu cầu tuyển dụng của do­anh nghiệp. Đặc biệt, gần đây thị trường đã xuất hiện nhu cầu đào tạo ở một số ngành nghề mới, vừa nâng cao năng lực phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, vừa phục vụ đời sống xã hội nhưng các cơ sở đào tạo nghề tại một số địa bàn lại chưa đáp ứng được, dẫn đến người lao động đành tiếp tục ở nhà hoặc tìm cách đi học ở những nơi khác.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất chỉ đạo: năm 2013, tỉnh phấn đấu nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 35%. Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung đầu tư để phát triển dạy nghề theo hướng chung của xã hội, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Trung ương và các nguồn lực khác, tạo chuyển biến rõ nét trong chất lượng dạy và học ở trường trung cấp nghề và cơ sở dạy nghề. Bám sát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Các cơ sở dạy nghề cần đổi mới phương pháp giảng dạy, chủ động phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp nhằm nắm bắt kịp thời nhu cầu sử dụng lao động; tiếp tục đa dạng hóa loại hình đào tạo nghề, triển khai tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tìm hiểu, dự báo, nắm chắc nhu cầu sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất để xác định việc đào tạo nghề cho người lao động phù hợp. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cần gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm theo hướng đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp, các làng nghề, nhu cầu chung của xã hội và cho xuất khẩu lao động; thực hiện tốt các mô hình thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn tại các xã, thị trấn, từ đó nhân rộng các mô hình đào tạo có hiệu quả để làm công tác tuyên truyền và nhân rộng trên các địa bàn trong tỉnh.

HOÀNG LÊ

Năm 2012, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 11.040 lao động nông thôn, trong đó, cao đẳng nghề: 1.596, trung cấp nghề: 1.865, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên: 7.579 người. Trong năm, các cơ sở dạy nghề tham gia tuyển sinh và dạy các nghề như: tin học ứng dụng, kế toán, cơ khí, điện, điện tử, công nghệ ô tô, may thiết kế thời trang, điện dân dụng, sửa chữa ống nước, hàn gò, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất hàng mây tre đan, kỹ thuật trồng trọt...

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek