Như mọi năm, đến thời điểm này, người trồng hoa kiểng của TP Tuy Hòa đã rộn ràng chuẩn bị cho Tết. Vậy mà năm nay về các làng hoa, người ta không tìm thấy không khí rộn ràng chuẩn bị đón chờ một vụ hoa bội thu, chỉ thấy những nỗi lo phảng phất trên gương mặt sạm màu nắng gió của người trồng hoa. Ông Nguyễn Hữu Tấn, 76 tuổi ở khu phố Phước Hậu 1, phường 9, TP Tuy Hòa thở dài: “Trời đã không chiều lòng người, hương xuân ngày Tết với người trồng hoa năm nay bay đi ít nhiều”.
Bé Hiếu ngày ngày ra vườn mong chờ những nụ mai bé nhỏ - Ảnh: Ngọc Dung
Chạy xe dọc theo những con đường nhỏ trong các khu phố của Phước Hậu, phường 9 (TP Tuy Hòa), chúng tôi những vườn mai trơ xương mà xót xa cho nhà vườn. Ông Năm Ái, một người có thâm niên trồng hoa, giải thích: “Năm nay trời lạnh kéo dài, nên bà con ở đây lặt lá mai sớm hơn năm ngoái từ 10 – 25 ngày. Trời âm u thế này, không ai nói trước được điều gì.
Mọi năm, qua 23 tháng mười âm lịch, nắng đã bật lên. Còn năm nay mưa gió kéo dài, dân trồng mai tụi tui không biết đâu mà lần. Hơn 20 năm nay, tui chưa thấy năm nào tiết trời lạ lùng như bây giờ”. Ông Ái bảo rằng: “Từ ngày 19 đến 20 -12, người Phước Hậu đã tở mở lặt lá mai. Cái việc mà những năm trước đây, dân trồng mai dựa vào kinh nghiệm “trông trời, trông đất, trông mây” của mình thì bây giờ, ngay cả những bậc cao niên của làng mai cũng chỉ làm theo cảm tính. Người này thấy người kia lặt lá thì cũng lặt theo. Thấy trời lành lạnh thì lặt lá trước mọi năm mười ngày nửa tháng”.
Ông Võ Sỹ ở Phước Hậu 3, người sở hữu hơn 1.000 chậu mai, nhìn quanh quất vườn mai nhà mình, lắc đầu: “Như mọi năm thì bây giờ mai đã đơm rất nhiều nụ. Năm nay, trời lạnh quá, mai không còn đủ sức để đâm nụ. Dù có tưới nước ấm, phun thuốc kích thích thì cũng không thay đổi được gì nhiều”. Mùa hoa này bà con ở đây coi như trắng tay”.
Nỗi lo lắng của người trồng Quất ở làng hoa Phước Hậu - Ảnh: Ngọc Dung
Quất chết và rụng trái hàng loạt Những người trồng hoa, cây cảnh tronh tỉnh đang phải đối mặt với “trắng tay” sau gần một năm chăm chút trước các bệnh lạ của cây và hoa. Quất, một loại cây cảnh được trồng phổ biến ở các làng hoa, đang thời kỳ cột cành chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán, bỗng chết héo hoặc rụng trái hàng loạt. Cứ sau một đêm, sáng ra là trái rụng kín cả gốc. Ở các làng hoa Ninh Tịnh, Phước Hậu …(TP Tuy Hoà) cứ mười nhà vườn thì có đến tám, chín nhà bị tình trạng trên, trong đó nhiều nhà mất trắng phải hoàn lại tiền đặt cọc hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, một số loài hoa thì mắc các “bệnh” khác: cúc các loại thường vào thời điểm này đã hé nụ nhưng đến nay đa phần chỉ toàn lá và đọt non; mai thì trút lá sớm, nụ lép…Theo Hội những người làm vườn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chưa từng có trên là do thời tiết mưa lạnh, gió bấc kéo dài và nhiều ngày trời không có nắng. Ngoài thị trường trong tỉnh, phần lớn hoa của Phú Yên xuất ra ngoài tỉnh. Với tình trạng trên tết năm nay mất mùa hoa là khó tránh khỏ và nhiều hộ dân sống chủ yếu từ nghề trồng hoa sẽ phải lao đao. Xuân Hiếu
Tìm đến gần mười nhà trồng mai ở đây, chúng tôi đều bắt gặp những ánh nhìn phảng phất nỗi buồn và sự âu lo khi hướng mắt về những cành mai khẳng khiu trơ mình trong giá lạnh. Ông Nguyễn Hữu Tấn buồn rầu: “Thời tiết khắc nghiệt, một số nhà vườn ở đây mai chết hết. Buồn lắm cô à! chắc năm nay dân trồng mai không có tiền tiêu Tết”.
Không chỉ người già mà ngay cả cô bé Lương Thị Mỹ Hiếu 14 tuổi ở Phước Hậu 3 cũng ngày ngày ra vườn mong chờ những nụ mai bé nhỏ hé lộ. Cô bé bảo: “Cả năm, cả nhà em chỉ trông vào 300 gốc mai này. Nếu bán được mai, thể nào má cũng mua sắm quần áo đẹp cho mấy chị em. Nhưng má nói, nếu mà ông trời cứ lạnh như thế này hoài chẳng biết sẽ ra sao?”.
Những người trồng quất, cúc, hồng, thược dược ở đây cũng thấp thỏm lo âu. Nhìn đôi bàn tay sạm đen của ông Lê Văn Nhã ở Phước Hậu 3 hốt những trái quất rụng trong vườn đem đi đổ, chúng tôi không khỏi xót xa. Ông Nhã thở dài: Năm nay tụi tui coi như tuốt tay. Mưa làm quất bị rụng trái hết. Hoa cúc bị tuột lá chân, còn Hồng thì chắc chắn sẽ nở muộn một số đơm hoa sớm thì bị mưa làm sập nát. Năm nay hoa cúc đốm bị sâu đục lá, ruồi vàng đục quất, mai, cây cảnh. Có lẽ tụi tui thất thu nặng, chắc cũng gần 70-80%.
Theo thống kê, phường 9 có hơn 30 ha đất trồng mai, quất, cúc, hoa trang và cây cảnh. Hàng năm, hơn 900 hộ dân trồng hoa trong phường thu nhập hơn 3 tỷ đồng vào dịp Tết. Những năm qua, nhờ cây cảnh, nhiều gia đình ở đây đã sắm sửa được nhiều thứ. Đây là nghề có thu nhập cao, vì thế mà hầu như người dân nào cũng tranh thủ mảnh vườn nhỏ nhà mình để trồng hoa cây cảnh, để kiếm đồng ra đồng vô trang trải chi tiêu trong ba ngày Tết.
Một năm họ cặm cụi gieo trồng, cắt tỉa, bón phân, tưới nước với niềm hy vọng về một vụ mùa bội thu. Nhưng không phải năm nào trời cũng chiều lòng người. Những năm thời tiết thay đổi thất thường, người trồng hoa, cây cảnh rất dễ bị đau tim. Bao công sức, tiền bạc của người trồng hoa coi như đổ xuống sông biển.
Nhưng bao cái Tết đi qua, những hoa mai, cúc, hồng, quất… vẫn gắn bó với người dân nơi đây. Họ vẫn yêu mến những đóa hoa nở trên mảnh đất quê nhà như một phần không thể tách rời trong cuộc đời mình. Những giọt mồ hôi lại tiếp tục rơi xuống để những mầm xanh vươn dậy. Niềm vui và niềm hy vọng của người trồng hoa lại trở về sau những tháng ngày khắc nghiệt.
Trong ánh chiều nhập nhoạng, ông Nguyễn Hữu Tấn vẫn cần mẫn cắt tỉa những cành mai, bón phân tiếp sức cho những chậu mai nhỏ. Những chậu mai cho những ngày sau…
NGỌC DUNG