Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc - phát huy vai trò người cao tuổi và phòng, chống bạo lực gia đình”. Hội thảo do Hội Nông dân Việt Nam, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 3/12, tại TP Đà Nẵng, với sự tham dự của đại diện các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Ảnh minh họa: Internet
Từ năm 2009 đến nay, tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) ở Việt Nam tiếp tục tăng cao, năm 2012 là 112 trẻ em nam/100 trẻ em nữ. Hiện nay, TSGTKS ở nước ta có đặc điểm: tăng ở cả thành thị, nông thôn và đều mất cân bằng; tăng cao ngay từ lần sinh thứ nhất và rất cao ở lần sinh cuối. Khu vực thành thị có sự lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu, trong khi khu vực nông thôn xuất hiện nhiều ở lần sinh thứ 2 trở đi. TSGTKS cũng thường cao ở những gia đình có kinh tế khá và ở nhóm phụ nữ có trình độ học vấn cao.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, trong giai đoạn từ 2009-2050 sẽ có 3 phương án về TSGTKS, gồm: phương án tích cực là TSGTKS sẽ tăng lên khoảng 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2020, sau đó giảm dần và trở về mức 105 bé trai vào năm 2025. Phương án quá độ là TSGTKS sẽ tăng lên khoảng 120 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 sau đó giảm dần và trở về dưới mức 105 bé trai vào năm 2030. Phương án không can thiệp là TSGTKS sẽ tăng lên khoảng 125 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho tới năm 2050. Theo xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay, đến năm 2050, chênh lệch số lượng nam và nữ ở Việt Nam sẽ từ 2,3 triệu người đến 4,3 triệu người.
Hội thảo cũng cho biết: Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang giai đoạn “dân số già” của nước ta là từ 17-20 năm, ngắn hơn so với nhiều nước. Hiện tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng, năm 2011 là 73 tuổi. Trên 70% người cao tuổi vẫn tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình.
Theo TTXVN