Là huyện thuần nông, với một số ít ngành nghề, dịch vụ nhỏ, những năm qua, Phú Hòa đã tập trung triển khai nhiều mô hình giảm nghèo mang lại hiệu quả. Đến nay, huyện Phú Hòa đã có sự đổi thay rõ rệt, cuộc sống người nghèo từng bước được cải thiện.
Mô hình trồng dưa hấu mang lại hiệu quả giảm nghèo cho bà con nông dân - Ảnh: K.CHI
Ông Nguyễn Văn Học, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của Phú Hòa luôn đặt chương trình giảm nghèo vào tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời việc triển khai thực hiện đều có sự lồng ghép các chương trình khác. Huyện đã tập trung mọi nguồn lực từng bước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là nâng cấp, mở rộng giao thông nông thôn, hoàn thiện khu hành chính và thị trấn huyện lỵ; phát triển nhân rộng các mô hình trang trại, mô hình chăn nuôi bò lai, nuôi cá nước ngọt, và khôi phục làng nghề truyền thống. Nhờ vậy, những năm gần đây, tỉ lệ hộ nghèo của huyện Phú Hòa giảm đáng kể, nhất là các hộ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Theo số liệu thống kê cuối năm 2011, toàn huyện Phú Hòa có 3.776 hộ nghèo, chiếm hơn 13%, 4.040 hộ cận nghèo, chiếm gần 18% so với số hộ của huyện. Đó là kết quả của công tác xóa đói giảm nghèo mà các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện đã nỗ lực thực hiện.
Thực tế ở Phú Hòa đã có nhiều mô hình giảm nghèo đã phát huy tác dụng và được nhân rộng như tổ tiết kiệm phụ nữ, câu lạc bộ nông dân, thanh niên lập nghiệp, tổ tín dụng xóa đói giảm nghèo, mô hình phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Năm 2011, tỉnh chọn xã Hòa Định Tây để thực hiện dự án giảm nghèo bền vững với việc nuôi bò lai sind chất lượng cao. Trước đó, huyện triển khai mô hình nuôi cừu ở xã Hòa Hội, nuôi dê ở xã Hòa Định Tây, hỗ trợ nuôi cá giống ở xã Hòa Thắng, Hòa Định Đông và Hòa Quang Nam. Từ năm 2011 đến giữa năm 2012, Hội LHPN huyện đã huy động được 470 hũ gạo tình thương, 194 con heo đất, qua đó giúp đỡ 49 chị em có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, 16.680 lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn; thông qua các lớp tập huấn cho người nghèo về kỹ thuật chăn nuôi bò ở xã Hòa Thắng, Hòa An và Hòa Định Đông; chăn nuôi heo hướng nạc ở xã Hòa Trị. Tổ chức tập huấn hướng dẫn trồng trọt thâm canh cây lúa cho người nghèo, hỗ trợ các giống ngô lai, đậu xanh, lúa cao sản cho cánh đồng 50 triệu đồng/năm ở các xã, thị trấn... Những mô hình trên đã làm hoạt động giảm nghèo ngày càng phong phú, hiệu quả, gắn phát triển kinh tế với giảm nghèo bền vững.
Ông Đặng Tấn Lục, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Hòa cho biết: Hiện nay, tổng số đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội của huyện là hơn 3.000 người gồm trẻ mồ côi, người tàn tật, người già... Thông qua những chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước đã giúp hộ nghèo từng bước giảm bớt khó khăn, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
Thế nhưng, một bộ phận người dân nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu quyết tâm vươn lên vượt qua đói nghèo. Thu nhập đối với hộ cận nghèo còn bấp bênh, trong khi đó chính sách khuyến khích đối với những hộ vừa mới thoát nghèo hộ cận nghèo chưa đáp ứng được cho nên khi gặp thiên tai hoặc rủi ro trong cuộc sống lại rơi vào diện nghèo. Hơn 90% hộ nghèo có thu nhập chính là từ sản xuất nông nghiệp và làm thuê, trong khi đó giá cả vật tư phân bón biến động tăng nhảy vọt, giá nông sản có lúc rớt giá làm cho nhiều hộ nghèo thua lỗ, vì vậy họ lại tái nghèo.
Thời gian đến, Phú Hòa tiếp tục triển khai dự án hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, đào tạo cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo; triển khai thực hiện các dự án phát triển các làng nghề; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để giúp các hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục nhà ở, đất sản xuất... nhằm từng bước nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế tình trạng đói nghèo.
KIM CHI