Chính sách đối với người có công của Đảng và Nhà nước không chỉ là vấn đề chính trị - xã hội mà còn thể hiện đậm nét đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Với ý nghĩa đó, trong những năm qua công tác chăm sóc thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm.
Khám sức khỏe cho các đối tượng chính sách - Ảnh: T.THẢO
Thực hiện Nghị quyết 45/2006/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành quy chế xây dựng và quản lý, sử dụng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, đồng thời chỉ đạo thành lập ban quản lý quỹ các cấp, triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân cùng tham gia đóng góp. Kết quả đến nay, tỉnh vận động hơn 17 tỉ đồng để hỗ trợ xây mới 775 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 301 nhà khác cho các gia đình chính sách.
“Tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế phải đi đôi với việc chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần các gia đình có công với cách mạng, đảm bảo cho tất cả các gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của nhân dân cùng nơi cư trú. Chăm sóc người có công là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”- ông Nguyễn Văn Lãng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH khẳng định và cho biết thêm: Hiện tỉnh đang quản lý và thực hiện chế độ cho 50.932 người có công với nhiều chính sách ưu đãi phù hợp. Sở LĐ-TB-XH luôn chủ động tham mưu kịp thời với UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công theo đúng quy định hiện hành và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công đảm bảo 100% đối tượng được thụ hưởng đầy đủ các chế độ trợ cấp, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước theo đúng quy định hiện hành; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”.
Chính sách ưu đãi về y tế cho người có công được quan tâm chú trọng. Hàng năm các đối tượng người có công đều được hưởng các chế độ điều dưỡng tập trung trong, ngoài tỉnh và cấp theo quy định. Bình quân mỗi năm có từ 600-800 lượt người được điều dưỡng với kinh phí gần 3.500 triệu đồng. Việc cấp thẻ BHYT đối với người có công được đảm bảo kịp thời. Đến nay 100% người có công đều được cấp thẻ BHYT theo quy định; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể phụng dưỡng suốt đời.
Những năm qua, tỉnh cũng đã nỗ lực hết sức để chăm lo đời sống cho các đối tượng là gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, bộ đội xuất ngũ bằng những việc làm thiết thực. Tỉnh đã triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó đặc biệt quan tâm ưu tiên cho con em, thân nhân gia đình chính sách. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 cháu được miễn giảm học phí, cấp bù học phí và hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, miễn thuế sử dụng đất cho gần 3.000 trường hợp; người có công được ưu tiên vay vốn giải quyết việc làm… Chị Nguyễn Thị Trúc Hương (xã Hòa Xuân Tây, Đông Hòa) giải bày: “Các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với mẹ tôi là Bà mẹ Việt Nam anh hùng được địa phương giải quyết rất đầy đủ, kịp thời. Con cháu trong gia đình được tạo điều kiện miễn, giảm học phí, chúng tôi rất yên tâm, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước”.
Bên cạnh đó, công tác xác nhận hồ sơ và giải quyết các chế độ chính sách cho người có công cách mạng đúng đối tượng, kịp thời góp phần làm vơi đi nỗi đau thương, mất mát của nhiều gia đình. Theo đó, có hơn 5.000 hồ sơ mới được xác nhận và chi trả đúng quy định. Song song với việc xác nhận và thực hiện các chính sách chế độ cho người có công, công tác quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi nhớ công ơn liệt sĩ cũng được chú trọng. Xác định đây là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tổ chức phát động phong trào “đi tìm đồng đội”, đã tìm kiếm, phát hiện và cất bốc quy tập trên 500 hài cốt liệt sĩ đưa về mai táng tại các nghĩa trang trong tỉnh.
Ông Trần Văn Thống, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: “Phong trào toàn dân chăm sóc nuôi dưỡng thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng tiếp tục được xã hội hóa, thể hiện tình cảm sâu nặng, trách nhiệm lớn lao của mọi người dân đối với đối tượng chính sách. Các ngành chức năng đã thường xuyên vận động đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân và những nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ các gia đình, người có công với cách mạng. Sự lớn mạnh của phong trào đã phát triển sâu rộng, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao, từ già đến trẻ ai ai cũng sẵn sàng hăng hái tham gia hưởng ứng phong trào này”.
“Đến nay, hầu hết các đối tượng chính sách đều có nhà ở và cuộc sống ổn định. Bên cạnh việc thực hiện tốt chế độ ưu đãi, hàng năm nhân Ngày Thương binh liệt sĩ, Tết Nguyên đán, UBND tỉnh tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà đối với người có công với cách mạng chu đáo, kịp thời, đúng ý nghĩa”- Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất cho biết, đồng thời đề nghị các cấp các ngành trong tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và nỗ lực hơn nữa trong công tác xã hội hóa chăm sóc người có công để chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
PHẠM THÙY