Thứ Ba, 08/10/2024 07:27 SA
Cấm khai thác đá chẻ ở huyện Đông Hòa:
Thợ đá loay hoay tìm kế sinh nhai
Thứ Sáu, 30/11/2012 14:00 CH

Nghề làm đá chẻ ở các xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Nam (Đông Hòa) từ lâu được xem là nghề làm ra cơm ăn, áo mặc cho rất nhiều người dân nơi đây. Tuy nhiên, trước những nguy cơ mất an toàn lao động và sạt lở đá… Cuối năm 2011, UBND huyện Đông Hòa đã có văn bản cấm khai thác đá. Rời bỏ công việc này, nhiều thợ đá lao đao tìm kế mưu sinh.

 

da121130.jpg

Công việc làm đá tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng nhiều người vẫn mạo hiểm bám lấy nghề - Ảnh: T.HÀ

LẮM RỦI RO

 

Từ sau năm 1975, nhiều thợ đá ở huyện Tuy An và TP Nha Trang đã đến xã Hòa Xuân (bấy giờ chưa chia thành 3 xã như hiện nay) dạy nghề khai thác đá cho những người dân nơi đây. Thấy nguồn đá dồi dào, thời gian học việc ngắn, lại cho thu nhập tương đối cao nên nhiều người đã tham gia học nghề.

 

Anh Trần Văn Sang (xã Hòa Xuân Nam) cùng cha đi làm đá từ lúc nhỏ, thổ lộ: “Gia đình khó khăn, nên khi mới học lớp 8, tôi đã theo cha đặt thuốc nổ, đốt dây cháy để phá những tảng đá lớn. Sau một năm, tôi thành thạo các công đoạn của nghề chẻ đá. Từ đó cho đến hết những năm học cấp 3, hễ đến hè là tôi lại đi làm đá. Thu nhập này giúp tôi trang trải tiền học phí và mua sách vở cho cả năm học”.

 

Công việc này đem lại thu nhập khá cao. Bình quân, mỗi ngày, một thợ đá giỏi có thể thu nhập được 300.000-400.000 đồng. Thấy việc kiếm ra tiền từ nghề này cũng dễ, nhiều người không đi học nghề, học chữ mà bám vào mưu sinh nhờ núi đá. Cứ thế, nghề làm đá chẻ dần dần trở thành công việc tạo nguồn sống cho những người dân nơi đây.

 

Cuối năm 2011, có hơn 200 cá nhân và nhóm khai thác đá chẻ tại xã Hòa Xuân Nam. Tuy số lượng người khai thác đông nhưng cách thức khai thác vẫn rất thô sơ và phương tiện bảo hộ lại không được trang bị, dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra, gây thương vong cho thợ đá và để lại nỗi đau dai dẳng cho thân nhân những người bị tai nạn. Bên cạnh những hậu quả trước mắt có thể thấy được như: tai nạn do sụp hầm, nổ mìn, đá lăn, việc khai thác đá không theo quy hoạch còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đá trên quốc lộ 1 đoạn qua đèo Cả làm ách tắc, cản trở, thậm chí gây ra tai nạn giao thông. Khoảng hai năm trở lại đây trên địa bàn xã Hòa Xuân Nam đã xảy ra một số vụ tai nạn do khai thác đá làm 3 người chết và 1 người bị tàn phế.

 

Thấy được nguy cơ của việc khai thác đá trái phép, ngày 27/10/2011 UBND huyện Đông Hòa có thông báo số 429/TB-UBND về việc nghiêm cấm khai thác khoáng sản (đá chẻ viên xây dựng) trên địa bàn huyện. Việc cấm khai thác đá chẻ gây ra sự lo lắng cho những hộ dân chuyên sống bằng nghề khai thác đá. Trong nỗi lo ấy, họ vẫn đang loay hoay tìm cho mình lối đi.

 

LỐI ĐI NÀO CHO DÂN LÀM ĐÁ?

 

Công việc tiềm ẩn nhiều hiểm nguy cùng với sự nghiêm cấm của chính quyền địa phương làm cho những người khai thác đá chẻ bất an. Một số người đã rời bỏ công việc này để kiếm kế mưu sinh bằng việc khác, tuy thu nhập không bằng. Nhưng còn rất nhiều người không muốn bỏ nghề vì đa số họ đều có hoàn cảnh sống hết sức khó khăn, thu nhập chính cho gia đình chỉ từ khai thác đá. Thêm nữa, những người có nhiều năm làm nghề nên giờ bắt đầu lại một công việc mới với họ đó là điều không dễ, nhất là đối với những thợ đá tuổi tác đã cao.

 

Đã có nhiều người sau khi nghỉ việc đi hái cà phê, đi nhổ sắn, chặt đót, cọ thuê ở các tỉnh và huyện lân cận. Mưu sinh vất vả nhưng thu nhập lại không cao. Ông Nguyễn Văn An (xã Hòa Xuân Đông) làm nghề đá chẻ đã hơn 20 mươi năm. Sau khi thôi làm nghề, ông đã cùng một số người cùng làng đến Lâm Đồng hái cà phê thuê. Làm quần quật mà mỗi ngày họ chỉ được nhận 120.000 đồng, tính luôn tiền ăn uống. Đến khi về, chủ còn giữ lại mấy trăm ngàn đồng, đợi đến lúc bán được cà phê mới trả hết phần còn lại. Còn ông Đặng Thành Trung (xã Hòa Xuân Đông), thổ lộ: “Nếu có công việc gì phù hợp có thể làm được tôi sẽ chuyển nghề ngay. Ngày trước, thấy việc khai thác đá dễ dàng, kiếm được tiền nên cứ lao vào làm rồi xem nó là cái nghề chính của mình nên không học nghề gì nữa. Bây giờ Nhà nước cấm, tôi không biết mình làm nghề gì để nuôi sống gia đình. Ở đây ruộng nương không có, rừng bị cấm khai thác, nên nguồn thu nhập ngoài làm đá ra không có khoản nào khác nữa”.

 

Ông Trần Văn Ngãi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam cho biết, năm nào xã cũng tổ chức vận động, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân, hướng những người trẻ tuổi sang những công việc khác. Xã cũng đã có những hoạt động để hạn chế số lượng người khai thác đá, như: cấm triệt để người ở huyện khác, tỉnh khác tới khai thác đá; tiến hành cưỡng chế thu giữ công cụ của những người khai thác đá. Xã cũng cố gắng tạo điều kiện cho con em những gia đình khó khăn, gia đình chính sách được đi học nghề để có thể tìm được một công việc ổn định, có định hướng đưa hoạt động khai thác đá vào quy hoạch khi hầm đèo Cả được khởi công xây dựng.

 

Thế nhưng, tất cả các hoạt động trên chỉ bước đầu thực hiện, hiệu quả chưa cao. Do vậy, việc cấm khai thác đá có hiệu lực hơn một năm nay nhưng vì miếng cơm, manh áo, nhiều người vẫn mạo hiểm bám lấy nghề. Tìm lối đi lâu dài cho người thợ đá đang là một yêu cầu cấp bách đặt ra cho các ngành, các cấp có thẩm quyền.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek