Cùng với làm tốt công tác khám chữa bệnh, thời gian qua Công đoàn cơ sở Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên còn hoạt động khá hiệu quả với nhiều mô hình hay trong phong trào thi đua lao động sáng tạo. Trong đó, nghiên cứu khoa học là một phong trào đạt hiệu quả thiết thực.
Thăm, khám bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên - Ảnh: N.HÂN
Phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) được Công đoàn xác định là một trong những chỉ tiêu thi đua quan trọng. Trong năm 2011 và 2012, bệnh viện có 10 đề tài NCKH cấp cơ sở, 6 sáng kiến và 4 đề tài cấp ngành đã được nghiệm thu, áp dụng rộng rãi. Hiện tập thể cán bộ y, bác sĩ bệnh viện tiếp tục nghiên cứu thêm 6 đề tài để phục vụ cho công tác chuyên môn. Trong đó, các đề tài “Cấy chỉ, cắt bút ở huyệt bằng phương pháp cải tiến”, “Thiết kế phần mềm tin học tra cứu websites y tế” của bác sĩ Lê Bá Thính; “Xây dựng quy trình sản xuất cồn xoa bóp” của dược sĩ Ma Thị Yên; “Máy đếm thuốc và dụng cụ súc rửa chai” của tập thể khoa Dược… là những minh chứng sinh động. Nếu như trước đây, nhân viên khoa Dược ngồi đếm từng viên thuốc cho vào bao theo số lượng, vừa mất thời gian lại không chính xác, thì bây giờ chỉ cần cho thuốc vào máy là xong. Dược sĩ Huỳnh Kim Ngọc, người “chế tạo” ra thiết bị đếm viên hoàn cứng, cho biết: “Chiếc máy này thay thế cho 10 lao động thủ công. Đồng thời, bảo đảm chính xác đến từng viên trong mỗi bao thuốc”. Chưa dừng lại ở đó, tập thể khoa Dược còn cho ra đời nhiều sáng kiến hữu ích như dụng cụ rửa chai bằng môtơ quạt, phác thảo máy rửa dược liệu… giúp giảm thiểu đáng kể thời gian và công lao động. Dược sĩ Ngọc nói: “Những đề tài NCKH của chúng tôi đều xuất phát từ thực tế của đơn vị “ít người, nhiều việc” đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng suất công việc”.
Ở các khoa, phòng khác, hoạt động NCKH cũng phát huy mạnh mẽ. Các y, bác sĩ các khoa Khám bệnh, Nội tổng hợp, Vật lý trị liệu, Phụ trị đã nghiên cứu thành công và ứng dụng các bài thuốc đặc trị như chữa trị bệnh trĩ, rắn cắn, liệt nửa người do tai biến, bệnh viêm khớp… mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, bệnh viện còn đưa phần mềm “Tra cứu đông dược” lên website của Báo Phú Yên để phổ biến đến đông đảo nhân dân. Bác sĩ Vũ Thị Phượng, Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, phấn khởi nói: “Nhờ sự sáng tạo của các y, bác sĩ mà bệnh viện có những bài thuốc đặc hiệu, dễ sử dụng, mang lại hiệu quả cho bệnh nhân khi điều trị tại đây”.
Bên cạnh đó, Công đoàn bệnh viện còn chú trọng công tác giáo dục nâng cao y đức, giao tiếp ứng xử, chăm sóc người bệnh cho cán bộ đoàn viên. Bác sĩ Đoàn Thị Băng Linh, Chủ tịch Công đoàn bệnh viện, cho biết: “Chúng tôi luôn tâm niệm “lương y như từ mẫu”, từ y tá đến bác sĩ phải phục vụ bệnh nhân với tinh thần trách nhiệm, tận tụy. Tuyệt đối không có thái độ cửa quyền, tiêu cực với bệnh nhân và người nhà…”. Hàng tuần, bệnh viện phát phiếu thăm dò, đặt thùng thư để lấy ý kiến của người bệnh về chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên bệnh viện. Qua đó, Ban giám đốc và Ban chấp hành Công đoàn có những điều chỉnh, khắc phục, nâng cao thái độ phục vụ bệnh nhân một cách đúng mực. Bệnh nhân Lê Sẵng, 57 tuổi, ở xã Hoà Mỹ Tây (Tây Hòa) nói: “Các y, bác sĩ ở đây rất tận tình với người bệnh. Từ chỗ bi quan với bệnh tật của mình, bây giờ tôi không còn quá lo lắng nữa. Tôi biết ơn các y, bác sĩ đã tận tình cứu chữa cho tôi”. Còn bệnh nhân Nguyễn Thị Lãnh, 68 tuổi, ở thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng (Phú Hòa) cho biết: “Tôi bị bệnh thần kinh phân liệt, sau khi đến đây chữa trị, các bác sĩ đã cho tôi cảm giác an tâm, thoải mái bởi thái độ ân cần, nhẹ nhàng và thân tình”.
Với những nỗ lực không ngừng 8 năm liền, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên được nhận danh hiệu bệnh viện xuất sắc toàn diện, được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh tặng nhiều bằng khen và cờ thi đua xuất sắc… Trong đó, có phần đóng góp không nhỏ của tổ chức Công đoàn.
THÁI NGỌC